The Conference Board, một tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường kinh tế toàn cầu dự đoán năng suất của các nền kinh tế phát triển hầu như không tăng nhiều trong năm nay và sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới. Thậm chí, dự báo còn nêu bật những thách thức mà các nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt chẳng hạn như chi phí vốn ngày càng tăng hay những bất ổn về kinh tế và địa chính trị đang diễn ra, v.v.
AI CẦN THÊM KHOẢNG MỘT THẬP KỶ ĐỂ THỰC SỰ CHỨNG MINH ĐỘT PHÁ VỀ NĂNG SUẤT
Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin rằng sự bùng nổ đầu tư vào AI cùng với một số xu hướng mới tại nơi làm việc xuất hiện trong thời kỳ đại dịch sẽ tạo ra nhiều kết quả bất ngờ trong năng suất làm việc của người lao động.
Chad Syverson, giáo sư tại Trường Kinh doanh Chicago Booth, cho biết mặc dù tỷ lệ tăng trưởng năng suất trên “giấy tờ” vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông tin rằng những đổi mới tại nơi làm việc cùng với lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại sẽ cần thêm thời gian để biểu hiện trên những con số.
“Các công ty phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để tái cấu trúc mô hình kinh doanh của họ theo những xu hướng chuyển đổi hiện nay, chẳng hạn như lắp đặt các phần mềm mới. Thời kỳ này, bạn có thể thấy công nghệ ở bất cứ đâu và bạn nghĩ nó mang lại rất nhiều lợi ích…nhưng trên thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, năng suất vẫn đi xuống”.
John Haltiwanger, giáo sư tại Đại học Maryland, đồng ý rằng những đột phá về AI liên quan đến các mô hình ngôn ngữ lớn cuối cùng sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Theo ông, cái nôi của hàng loạt công nghệ mới, Hoa Kỳ hiện đang trải qua quá trình chuyển đổi tương tự như quá trình chuyển đổi vào cuối những năm 1980, khi nhà kinh tế học Robert Solow nói: “Bạn có thể thấy thời đại máy tính ở mọi nơi, trừ các số liệu thống kê về năng suất”. Những thay đổi căn bản do AI tạo sinh mang lại có thể loại bỏ “rất nhiều cực nhọc” trong thực tiễn tại nơi làm việc giúp nâng cao hiệu quả công việc đồng thời giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một sự thật, những bước nhảy vọt về công nghệ ở thời kỳ đầu của máy tính phải mất đến hàng thập kỷ mới mang lại hiệu quả đáng kể trong năng suất.
Đồng tình với quan điểm này, Nick Bloom, một giáo sư tại Đại học Stanford, trích dẫn ví dụ về việc phát minh ra động cơ điện trong thời đại mà hầu hết các tòa nhà công nghiệp chỉ sử dụng năng lượng nước hoặc hơi nước, khi đó “Các công ty phải mất rất nhiều thời gian để thay đổi”.
AI TẠO SINH CÓ NHIỀU ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN
Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu, báo cáo về tác động biến đổi của AI đối với năng suất. Một bài báo gần đây do Viện Brookings xuất bản (được hỗ trợ viết bởi mô hình GPT4) đã đưa ra bằng chứng cho thấy GPT4 có thể giúp các lập trình viên làm việc với tốc độ gấp đôi so với bình thường, giảm một nửa thời gian cần thiết để hoàn thành một số tác vụ viết nhất định.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu tại Morgan Stanley cho biết năng suất của Hoa Kỳ “sẵn sàng phục hồi”, một phần là do xu hướng nhân khẩu học, kết hợp với các chính sách “kết bạn” của chính phủ, khiến các công ty đa quốc gia gặp khó khăn trong việc khai thác nguồn lao động giá rẻ toàn cầu, nên buộc họ phải tự động hóa. Họ cũng nhận định Một “cuộc cách mạng năng suất” tập trung vào AI sẽ nhanh hơn rất nhiều so với cuộc cách mạng của phát minh máy tính, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động ở một số quốc gia cũng sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới hoạt động sản xuất diễn ra nhanh hơn. Như tại Nhật Bản, lực lượng lao động đang già hóa cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào người máy.
Dù sao, Bloom cũng cảnh báo thật khó để dự đoán khi nào những bước ngoặt lớn về năng suất sẽ xuất hiện. “Sự phát triển của động cơ hơi nước, động cơ điện, máy tính cá nhân và internet không tạo ra tác động có thể đo lường đối với năng suất trong vòng 5 năm. Vì vậy, thật khó để nhìn thấy những thay đổi nhanh chóng do AI mang lại”.