August 10, 2022 | 12:04 GMT+7

Cách nào chặn đường tuồn xăng dầu tạm nhập - tái xuất vào nội địa tiêu thụ từ ngày 10/8?

Trâm Anh -

Chặn đường lợi dụng chính sách tạm nhập - tái xuất xăng dầu, từ ngày 10/8, Tổng cục Hải quan sẽ tạm dừng việc thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan...

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu phải trang bị thiết bị đo mức bồn, bể tự động đáp ứng điều kiện theo quy định từ ngày 10/8.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu phải trang bị thiết bị đo mức bồn, bể tự động đáp ứng điều kiện theo quy định từ ngày 10/8.

Theo quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan (Nghị định số 67) được ban hành ngày 15/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 10/8/2020, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành tạm dừng việc thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không xác nhận lượng xăng dầu tái xuất và tiến hành thu thuế xăng dầu tạm nhập.

Việc thực hiện thủ tục hải quan chỉ được thực hiện lại khi các doanh nghiệp lắp đặt trang thiết bị đo mức bồn, bể tự động và kết nối với cơ quan hải quan đáp ứng điều kiện theo quy định của Nghị định số 67.

Điều 3 Nghị định số 67 nêu rõ: "Thương nhân đầu mối hoặc thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu đã được cơ quan hải quan công nhận đủ điều kiện kinh doanh, đủ điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan có trách nhiệm thực hiện trang bị thiết bị đo mức bồn, bể tự động đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định này trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành".

Thiết bị đo bồn bể tự động là một hệ thống thiết bị điện tử có chức năng cơ bản là theo dõi mức nhiên liệu trong bồn chứa xăng dầu, để đánh giá thực trạng hàng hóa xăng dầu theo thời gian thực mà không cần qua các thao tác thủ công nào. Đồng thời, quản lý số lượng nhiên liệu tại thời điểm trước khi nhập bồn và sau khi nhập bồn...

Đây là quy định để siết chặt các chiêu gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng, dầu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, đảm bảo kinh doanh công bằng và tính tuân thủ giữa các doanh nghiệp. 

Để chuẩn bị cho "giờ G" thực hiện quy định trên, Tổng cục Hải quan ban hành hàng loạt văn bản để tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp như: công văn số 2381/TCHQ-GSQL ngày 17/6/2022, số 727/TCHQ-GSQL ngày 4/3/2022, số 981/GSQL-TH ngày 15/7/2022, số 2944/GSQL-GQ5 ngày 19/8/2020 để tuyên truyền, phổ biến đến từng doanh nghiệp về thời hạn lắp đặt thiết bị đo bồn bể tự động theo quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP.

 

Lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước hiện khoảng hơn 20 triệu tấn/năm. Trong đó,  tự chủ từ sản xuất trong nước chiếm khoảng 60 - 70%, còn lại phải nhập khẩu. Lợi dụng điều này, một số đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để nhập lậu, pha chế xăng dầu kém chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, ngày 20/5 vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý về hải quan đối với mặt hàng xăng, dầu, khí hóa lỏng xuất nhập khẩu. Trong đó, phổ biến rất rõ về thời hạn các doanh nghiệp cần triển khai lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan theo quy định tại Nghị định số 67.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức, khiến công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp không ít khó khăn, trở ngại. 

Thực tế, nhiều năm qua xảy ra hàng loạt vụ việc trục lợi từ hình thức tạm nhập nhiều nhưng tái xuất nhỏ giọt.

Do không phân biệt được xăng dầu tạm nhập - tái xuất và xăng dầu nhập về nội địa nên khi để cùng một bể sẽ dẫn đến chuyện doanh nghiệp xăng dầu nhập về không tái xuất mà chuyển sang tiêu thụ nội địa để trốn thuế.

Đầu năm 2022, tàu mang số hiệu 9321 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại vận tải xăng dầu Phúc Thọ lợi dụng việc cấp phép để chở xăng dầu dưới hình thức tạm nhập - tái xuất, các đối tượng đã không tái xuất mà cắt seal chì, đưa vào nội địa tiêu thụ. 

Tại thời điểm kiểm tra, tàu chở hàng tạm nhập tái xuất này có 2 ống dẫn dầu, tuy nhiên khóa đầu ống dầu bị phá niêm phong của lực lượng hải quan và cơ quan chức năng.

Việc buôn lậu xăng dầu lợi dụng tạm nhập - tái xuất không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn khiến các doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu hợp pháp cũng bị ảnh hưởng lớn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate