Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề cao quan điểm chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Để hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược, Việt Nam đã thúc đẩy khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch di sản văn hóa đa dạng với nhiều điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam trải dài khắp đất nước.
TẠO THƯƠNG HIỆU CHO DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG
Các sản phẩm du lịch đặc trưng từ thế mạnh của các di sản văn hóa đã được nhiều địa phương tạo ra và thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế như: Khu vực miền Trung có thương hiệu “Con đường di sản”; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có thương hiệu sản phẩm du lịch “Tinh hoa Việt Nam” hội tụ các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất tại khu vực, bao gồm lịch sử văn hóa, các di sản, thiên nhiên, biển đảo và thành phố;
Quảng Nam xây dựng hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến hai di sản thế giới”. Thành phố Hội An có thương hiệu gắn với làng nghề thông qua Lễ hội đèn lồng; Thừa Thiên - Huế có sản phẩm du lịch “Festival Huế”, Quảng Ninh có lễ hội đường phố Carnaval Hạ Long; Hải Phòng có Lễ hội hoa phượng đỏ...
Ngoài ra, các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo cũng đã trở thành những điểm nhấn quan trọng hành trình du lịch được du khách trong nước và quốc tế quan tâm tìm kiếm và lựa chọn làm điểm đến du lịch khám phá đất nước và con ngưởi Việt Nam như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế); Khu thánh địa Mỹ Sơn; Phố cổ Hội An (Quảng Nam)...
Thông qua các tour du lịch di sản văn hóa, du khách quốc tế và trong nước được thăm quan tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm các giá trị văn hóa giúp các du khách hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa, đất nước con người Việt Nam. Có thể thấy, những giá trị đạt được trong khai thác di sản văn hóa vào phát triển du lịch cũng đã góp phần phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sâu rộng hơn tới bạn bè quốc tế.
Hiệu quả trong khai thác giá trị di sản văn hòa vào phát triển du lịch còn được thể hiện với việc năm 2023 Việt Nam đã đón nhận hàng loạt các danh hiệu, giải thưởng như: Việt Nam với danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2023; Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”. Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”. Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khai thác các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững vẫn còn có hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Việc khai thác thế mạnh, tiềm năng di sản cũng chưa đạt hiệu quả cao; Sản phẩm du lịch văn hóa chưa khai thác hết hiệu quả đúng với tiềm năng nên giá trị sản phẩm chưa cao. Nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch còn hạn hẹp. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn không ít khó khăn, thách thức...
CÔNG NGHỆ KẾT NỐI DU KHÁCH VÀ DI SẢN
Tại Diễn đàn Truyền thông quảng bá điểm đến với chủ đề "Hội tụ bản sắc - Nâng tầm di sản" tại TP.HCM vừa qua, các chuyên gia đã chia sẻ những cách làm sáng tạo và câu chuyện thành công từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Dinh Độc Lập, mang lại bài học giá trị cho ngành du lịch di sản. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, cho biết chương trình trải nghiệm đêm "Tinh hoa đạo học" đã gặt hái kết quả tích cực sau hơn 1 năm vận hành mà không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thành quả này đến từ việc công nghệ hiện đại được áp dụng để kết nối những câu chuyện quá khứ với du khách đến Văn Miếu. Tại đây, các "cụ rùa AI" và hiệu ứng 3D Mapping đã tạo nên những hoạt động tương tác thú vị. Đồng thời, thông tin sự kiện được quảng bá trên mạng xã hội để tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau. Qua thời gian, đội ngũ nhân viên cũng chuyển mình theo hướng dịch vụ chuyên nghiệp hơn, nâng cao kỹ năng và thái độ phục vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách tham quan.
Một minh chứng thành công khác đến từ Dinh Độc Lập khi nhà trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868-1966" đã thu hút khách tham quan kể từ khi mở cửa vào tháng 3/2018. Theo ông Trần Hữu Phước, Quyền Giám đốc Hội trường Thống Nhất, mỗi năm triển lãm này đón gần 350.000 lượt khách. Được tổ chức trong một ngôi biệt thự cổ hai tầng có từ thời Pháp thuộc (ngay trong khuôn viên Dinh Độc Lập), không gian trưng bày giới thiệu hơn 500 hiện vật quý và tư liệu lịch sử tái hiện quá trình hình thành biểu tượng quyền lực của chính quyền Pháp tại Nam Kỳ.
Tương tự, tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), tour game di sản đi qua các điểm di tích tại làng cổ này sẽ hướng dẫn người chơi đường đi đến từng điểm và giới thiệu về điểm di tích. Tiếp đó đưa ra các nhiệm vụ thường gắn với các món ăn ẩm thực, câu hỏi về di tích và check-in lưu lại khoảnh khắc. Trò chơi nhập vai "Mật mã từ cổ vật" tại bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) giúp du khách hào hứng trải nghiệm ứng dụng game hoá di sản để thực hiện một cuộc phiêu lưu, truy tìm mật mã tại bảo tàng.
Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP.HCM, cho rằng sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tìm về những giá trị hoài niệm nhưng vẫn muốn kết nối với hiện đại. "Các mô hình tại Dinh Độc Lập và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đi đúng hướng khi tạo ra các trải nghiệm độc đáo, vừa gắn với lịch sử vừa gần gũi với đời sống đương đại", ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cũng nhấn mạnh rằng việc phân mảnh trải nghiệm và cá nhân hóa hành trình sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận các gói dịch vụ phù hợp, đồng thời tăng khả năng chi tiêu của họ khi thông tin về giá cả được truyền thông hợp lý. Những thành công như trên đã chứng minh rằng di sản không chỉ có giá trị bảo tồn mà còn trở thành nguồn thu kinh tế dồi dào nếu biết khai thác sáng tạo, được đầu tư bài bản và truyền tải đúng cách.
Ngoài ra, việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại và di sản, hoạt động du lịch thời gian đang mở ra một hình thức truyền tải, tiếp cận văn hóa mới, qua đó giúp thu hút sự quan tâm của du khách và thế hệ trẻ, đồng thời góp phần vào công cuộc bảo tồn và giáo dục văn hóa.