21 tập thể và cá nhân đã được trao giải thưởng cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính”. Đối với Ban tổ chức, con số 31 ngàn bài dự thi là một thành công không chỉ trên phương diện thống kê, mà còn là cơ sở để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go với thủ tục hành chính.
Bởi vì, như thừa nhận của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc thi này chính là cách làm hiệu quả, thiết thực góp phần triển khai và hiện thực hóa chủ trương về cải cách thủ tục hành chính. Nhiều giải pháp, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính được đánh giá có tính khả thi và có thể sớm triển khai áp dụng trong thực tiễn.
Đối với lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, những bài dự thi dù đạt giải hay chưa đạt giải cũng đã cung cấp cho những ý tưởng mới trong quá trình nghiên cứu, đánh giá các thủ tục hành chính hiện hành. Như đánh giá của ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, thì các bài thi chính là “kho tư liệu quý cung cấp một góc nhìn đầy đủ hơn về thủ tục hành chính, góc nhìn của các đối tượng chịu sự tác động của thủ tục hành chính”.
Những người theo dõi sâu về hoạt động cải cách hành chính có thể cảm nhận được một không khí trầm lắng hơn trong năm 2012, nếu so với sự hồ hởi của các năm trước đây.
Theo kế hoạch, cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” sẽ đuợc định kỳ phát động theo từng chuyên đề gắn với ưu tiên cải cách trọng tâm của Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng thực hiện mục tiêu và quyết tâm cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, những người theo dõi sâu về hoạt động cải cách hành chính có thể cảm nhận được một không khí trầm lắng hơn trong năm 2012, nếu so với sự hồ hởi của các năm trước đây.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tích cực triển khai thực hiện.
Tính đến 15/9/2012, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hoá hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hoá được 3.779 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ hoàn thành 80%.
Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc thực thi các phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính đã được thông qua tại 25 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính, phấn đấu hoàn thành thực thi các phương án trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Tuy nhiên, dễ thấy là từ đầu năm đến nay, không có nhiều văn bản mang tính chỉ đạo liên quan đến cải cách hành chính được ban hành thêm, ngoại trừ bản kế hoạch phê duyệt thủ tục hành chính trọng tâm của năm 2012 được ban hành từ tháng 3/2012. Dường như trong một năm khó khăn về kinh tế, các công việc khác đã được ưu tiên nhiều hơn.
Ý kiến sau đây của ông Fred Burke, luật sư điều hành chi nhánh của hãng luật Baker&McKenzie tại Việt Nam, một chuyên gia am tường về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, là đáng để xem xét. Ông này nói rằng mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực tiến hành cải cách hành chính thông qua Ðề án 30, nhưng kết quả “vẫn chưa rõ ràng như chúng ta mong muốn”.
Vẫn theo Fred Burke, các thủ tục hành chính mới chưa thực hiện triệt để các nguyên tắc tham vấn trước với công chúng, đánh giá tác động của các quy định và trách nhiệm giải trình vẫn đang được ban hành, như trường hợp thủ tục xin giấy phép lao động đối với người nước ngoài được đưa ra trong một dự thảo mới đây.
“Cải cách hành chính sẽ không thành công nếu không có sự cộng tác tích cực của các cơ quan nhà nước có liên quan. Chỉ khi Chính phủ khuyến khích các cơ quan trực thuộc mạnh dạn và tích cực thực hiện, và chỉ khi có sự đồng lòng rằng “nước lên thì thuyền lên”, thì việc thực hiện các thủ tục hành chính mới được áp dụng một cách hữu hiệu”, ông ví von.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ phương án bổ sung Cục Kiểm soát thủ tục hành chính vào cơ cấu tổ chức của bộ này.
Thời gian qua, cũng có không ít đồn đoán xung quanh vấn đề tổ chức và vai trò mới của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính. Những đồn đoán này đã được làm sáng tỏ khi vào cuối tháng 9/2012, Nghị định số 74/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ đã được ban hành và cơ quan này không còn “biên chế” trong Văn phòng Chính phủ nữa.
Thay vào đó, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương chuyển nhiệm vụ, bộ máy tổ chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ về Bộ Tư pháp và trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ phương án bổ sung Cục Kiểm soát thủ tục hành chính vào cơ cấu tổ chức của bộ này.
Chính thức ra mắt vào tháng 2/2011, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính không chỉ thể hiện sự hoàn thiện về bộ máy tổ chức quản lý nhà nước đối với một lĩnh vực mới, mà còn là một hình ảnh đầy tính biểu tượng. Tính chất “trực thuộc Văn phòng Chính phủ” đưa lại cho cơ quan này một tiếng nói trọng lượng hơn, và đưa ra công luận một thông điệp mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế khiến cho nhiều hoạt động điều hành khác bị chỉ trích, quyết tâm và nỗ lực thực hiện Đề án 30 thực sự là một điểm sáng trong thời gian qua, nhận được sự ghi nhận rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Nhưng với việc tổ chức lại, vẫn còn có những băn khoăn về chặng đường sắp tới của công cuộc cải cách hành chính.