May 20, 2025 | 10:43 GMT+7

Cải cách thể chế, hoàn thiện văn bản pháp luật để nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Nhật Dương -

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách nhân văn, giúp bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động khi gặp khó khăn. Song để triển khai chính sách này ngày càng có hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ...

Giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: Anh Tuấn.
Giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: Anh Tuấn.

Tại Tọa đàm “Bảo hiểm thất nghiệp: Những điểm mới trong chính sách và chế độ cho cán bộ, công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính”, do Báo Dân Việt tổ chức chiều 19/5, các chuyên gia đã gợi mở nhiều giải pháp trước mắt cũng như dài hạn để nâng cao chất lượng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI MẤT VIỆC

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), cho biết chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ năm 2008. Đến nay, sau hơn 16 năm, chính sách ngày càng thể hiện tính ưu việt, mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tính đến cuối năm 2024, diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 16 triệu người. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp mở rộng trên cơ sở tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp ngắn hạn và dựa trên cơ sở tiền lương.

Mặc dù vậy, hiện nay nhiều lao động phản ánh mức hỗ trợ hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp, chưa đảm bảo cuộc sống khi thất nghiệp. Về vấn đề này, ông Trần Tuấn Tú thông tin, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được chi trả trên cơ sở mức đóng, đảm bảo khả năng cân đối quỹ trong dài hạn.

Chính sách sửa đổi tới đây có thể tiến tới đóng theo thu nhập, nhưng hiện tại đang đóng theo lương tối thiểu (gồm cả phụ cấp). Mức hưởng thấp do bình quân nền đóng thấp, hiện bình quân khoảng 6 triệu đồng. Còn thực tế, với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% nhân mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, thì tỷ lệ hưởng theo ông Tú là không thấp.

Do đó, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mức đóng - hưởng đang được tính toán trên cơ sở thực chất chính sách, cân đối thu chi, phương án tài chính, nếu không tính kỹ thì thâm hụt quỹ.

“Nếu tăng chế độ, tăng mức hưởng thì cần tăng mức đóng, nhưng nếu muốn tăng mức hưởng lại không tăng mức đóng thì không khả thi. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư nhưng chỉ chi trả cho những người tham gia, chứ không chi trả cho mục đích khác”, ông Tú cho hay.

Cũng theo ông Tú, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách nhân văn, bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động khi gặp khó khăn. Vì vậy, dù mức đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp, nhưng nếu chẳng may thất nghiệp, người lao động có thể thụ hưởng trợ cấp đến 200% phần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Chẳng hạn, trong dịch Covid-19 vừa qua, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả trợ cấp cho người lao động trên 32.000 tỷ đồng, người sử dụng lao động là hơn 9.000 tỷ đồng.

TĂNG NGUỒN THU ĐỂ THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH AN SINH

Để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp – Cục Việc làm Trần Tuấn Tú cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp then chốt. Đó là, cải cách thể chế, hoàn thiện văn bản pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; truyền thông, thông tin rộng rãi để các đối tượng hưởng ứng tham gia.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Báo Dân Việt.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Báo Dân Việt.

Đồng thời, tổ chức thực hiện phải có bộ máy, phải có nhân lực đáp ứng tổ chức, cơ sở vật chất hiện đại. Ngoài ra, cần giao đúng người đúng việc, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách tốt, sau đó hậu kiểm để răn đe.

Còn bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, khi nói đến chính sách an sinh thì quan trọng nhất là ngân sách. Muốn chính sách an sinh được tốt như kỳ vọng của người dân, người lao động, cần xem xét tổng thể các giải pháp. Trong đó, cần cải thiện nguồn thu ngân sách để có nguồn lực thực hiện chính sách an sinh được tốt nhất.

Theo bà Nga, hiện nay, về chính sách an sinh, ngoài bảo hiểm thất nghiệp, chúng ta còn có chủ trương bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, miễn học phí cho học sinh từ trung học cơ sở trở xuống; tiến tới miễn phí viện phí toàn dân…

Các chính sách này đều cần nguồn ngân sách không nhỏ. Do đó, cần có các giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách cũng rất quan trọng. Đó là, cần tổ chức thực hiện để có chính sách tốt mà người dân có thể tiếp cận được, có thể hưởng quyền lợi. Đơn cử như cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thuận tiện thông qua Cổng dịch vụ công.

Tuy nhiên, chất lượng cổng dịch vụ công còn nhiều vấn đề khiến người lao động gặp khó khăn khi tiếp cận, phổ biến như nghẽn mạng, giao diện chưa thân thiện…

Ngoài ra, giải pháp nữa cũng cần tính đến là truyền thông để tạo ra sự đồng thuận xã hội. “Làm thế nào khi chính sách ban hành ra có sự đồng thuận và không có lạm dụng chính sách. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp rất nhân văn, bảo vệ được nhiều người lao động bị thất nghiệp, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây ra thất thoát. Làm sao để người lao động rủi ro thực sự tiếp cận được chính sách…”, bà Nga nhấn mạnh. Thêm rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ khi xem xét sửa đổi bổ sung với bất cứ chính sách nào tới đây.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate