Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về việc thực hiện Kế hoạch hành động nhằm triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghị quyết này giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, trong đó Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực đất đai, tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân.
SỬA ĐỔI MÔ HÌNH QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Đối với Bộ Tài chính, Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát và sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý đất đai và tài sản công, đặc biệt là trong các khu công nghiệp và khu kinh tế. Bộ này được yêu cầu sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 để bổ sung cơ chế chính sách, cho phép các địa phương bố trí tối thiểu 20 ha đất trong mỗi khu công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất để đầu tư hạ tầng phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê đất sản xuất.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phải rà soát, sửa đổi Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2024 để xử lý các khu đất công, tài sản công chưa được sử dụng hiệu quả, bàn giao lại cho địa phương làm quỹ đất hỗ trợ doanh nghiệp.
Về lĩnh vực tín dụng, Bộ Tài chính được giao rà soát, sửa đổi Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 liên quan đến tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc sửa đổi nhằm điều chỉnh mô hình tổ chức quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro, điều chỉnh mức trích quỹ dự phòng rủi ro và nới lỏng điều kiện bảo lãnh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu đề xuất thành lập Quỹ tái bảo lãnh tín dụng cấp Trung ương để thực hiện chức năng tái bảo lãnh cho các quỹ cấp địa phương. Một nhiệm vụ khác là đề xuất cơ chế thí điểm sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng nhằm tạo cầu nối trực tiếp giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể với các tổ chức tài trợ vốn.
Trong lĩnh vực phát triển các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 và Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2024 để mở rộng đối tượng hỗ trợ, đơn giản hóa điều kiện, thủ tục vay vốn, bổ sung chức năng đầu tư vào các quỹ địa phương và các dự án khởi nghiệp. Các nội dung sửa đổi còn bao gồm việc xây dựng cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng hơn.
MỞ RỘNG CÁC HÌNH THỨC CHO VAY TÍN CHẤP
Bộ Tài chính có trách nhiệm triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc phát hành ra thị trường quốc tế. Đồng thời, bộ này cũng phải nghiên cứu, đề xuất cơ chế pháp lý về chứng khoán hóa các khoản nợ để tăng tính thanh khoản và mở rộng kênh huy động vốn cho doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành cho khu vực kinh tế tư nhân nhằm nâng cao chất lượng quản trị và điều hành doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết 138/NQ-CP, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ sửa đổi các quy định về quản lý tài sản công và đất đai (Nghị định 35/2022/NĐ-CP và 108/2024/NĐ-CP) để phát triển quỹ đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sản xuất, kinh doanh; cải cách mô hình, cơ chế hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quỹ phát triển doanh nghiệp khác; đề xuất cơ chế thí điểm sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng cho doanh nghiệp; hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán hóa các khoản nợ nhằm đa dạng hóa kênh huy động vốn cho doanh nghiệp tư nhân.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao sửa đổi Thông tư số 26/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 để mở rộng danh mục tài sản được phép cho thuê tài chính, bao gồm phần mềm, quyền khai thác, tài sản trí tuệ và dữ liệu.
Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại ưu tiên cấp tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong các lĩnh vực như đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, và chuỗi cung ứng.
Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin giữa ngân hàng, cơ quan thuế và các đơn vị liên quan để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, hỗ trợ đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp một cách toàn diện. Từ đó, mở rộng các hình thức cho vay tín chấp dựa trên dòng tiền, tài sản vô hình, dữ liệu thanh toán, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa khả năng tiếp cận tín dụng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, kiểm soát rủi ro trong quá trình cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.