Văn bản quy phạm pháp luật có thể giúp “bôi trơn” hoạt động kinh tế, nhưng cũng có thể tạo ra rào cản. Bởi vậy, Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính đang được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời triệt tiêu được sự “cài cắm” lợi ích nhóm trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên lề hội nghị công bố kết quả rà soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã trao đổi với VnEconomy xung quanh nội dung này.
4 câu hỏi khi làm luật
Trong quá trình rà soát thủ tục hành chính vừa qua, ông có phát hiện cơ quan, hay người soạn thảo luật “cài cắm” một vài điều khoản có lợi cho đơn vị mình, cá nhân mình?
Điều đó là chuyện bình thường và phải xác định như vậy.
Chính vì vậy, phải thiết lập được một hệ thống thể chế giám sát bên ngoài, ví dụ như tham vấn các bên có liên quan, hoặc công khai hóa dự thảo để mọi người góp ý trước khi ban hành, có cơ quan độc lập đánh giá, thẩm định lại nội dung chính sách…
Có như vậy mới kiểm soát được lợi ích nhóm có thể len lỏi vào các văn bản quy phạm pháp luật. Phải tính đến vấn đề này trong suốt quá trình hoạch định, cũng như thực thi pháp luật.
Có đến 84,3% thủ tục hành chính được kiến nghị sửa và bỏ. Con số này nói lên điều gì, thưa ông?
Thực ra, lâu nay chúng ta vẫn nói quy trình làm luật của chúng ta chưa hợp lý, chất lượng các quy định của ta chưa tốt. Và hàng chục năm vừa rồi chúng ta cứ ban hành chứ không rà soát lại, cho nên có thể rất nhiều thủ tục trước đây hợp lý, nhưng qua một quá trình, nó trở nên không hợp lý nữa, và sự không hợp lý đó cứ tồn tại vì ta không rà soát đến nó.
Vì vậy, đợt này là cải cách một cách tổng thể, nhìn lại toàn bộ quá khứ. Tới đây còn cần một “động tác” nữa là từ nay trở đi chúng ta phải đặt nền tảng tiếp tục thực hiện các nguyên tắc này. Có như vậy mới thiết lập được một thể chế, cơ chế và công cụ giám sát chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các thủ tục hành chính.
Ông có thể nói rõ hơn?
Chỉ cần đơn giản như thế này là có thể cải cách được rất nhiều chất lượng văn bản. Mỗi một công chức khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trả lời 4 câu hỏi. Một, vấn đề mình cần xử lý là gì? Hai, mình có thể xử lý vấn đề đó bằng công cụ nào? Ba, các chi phí và lợi ích của từng giải pháp đó là cái gì? Cuối cùng, tìm ra cái rẻ nhất, tốt nhất mà đạt được mục tiêu.
Chỉ 4 câu hỏi thôi, mỗi công chức từ nay trở đi, khi đặt bút viết trả lời được 4 câu hỏi đó, và nó luôn thường trực trong đầu thì chắc chắn chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của ta sẽ được cải thiện đáng kể.
Cùng với đó, thiết lập một hệ thống giám sát, đánh giá tương đối rõ ràng, nhất là có những điều kiện, tiêu chí đánh giá chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tục nhiều để bảo vệ quyền lợi
Ông nghĩ sao về việc riêng thủ tục thành lập và phát triển doanh nghiệp đã chiếm hơn 1/2 tổng số thủ tục hành chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?
Thứ nhất, đây là tất cả những thủ tục liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp. 257 thủ tục đó, không phải mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện cả.
Thứ hai, 257 thủ tục đó phân chia chi tiết đến cây, cành, nhánh, lá… Ví dụ, thay đổi trụ sở thì phải đi đăng ký lại nội dung đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh muốn thay đổi cũng được yêu cầu đi đăng ký lại, tên doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp… khi thay đổi cũng phải đăng ký lại.
Theo tôi, điều đó là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên có liên quan, nhất là quyền lợi của doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp.
Sau này, có thể có bước tiến xa hơn, bỏ được thủ tục này kia, nhưng xét về tổng thể, những thủ tục đó hiện nay là hợp lý.
Tức là theo ông, môi trường kinh doanh đã được phần nào cải thiện hơn?
Theo tôi, về đăng ký kinh doanh đã liên tục có thay đổi trong những năm qua. Ví dụ như quy chế một cửa liên thông, hiện nay là đăng ký doanh nghiệp kết hợp đăng ký mã số thuế, tiến tới đăng ký điện tử.
Chỗ này, theo tôi có một số cái có thể làm tốt hơn. Cần thiết lập một hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh toàn quốc, tiêu chuẩn hóa hợp lý hóa quy trình hóa tất cả thủ tục này để một quy trình thống nhất áp dụng trong toàn quốc, tránh sự tùy tiện hoặc hiểu khác đi của một vài người thực hiện, tránh sự can thiệp của ai đó. Tiến tới sẽ phải đạt được như thế.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate