“Quyết định đặc xá cho ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics được đưa ra sau khi xem xét toàn diện nhiều yếu tố như phản ứng từ công chúng, việc cải tạo tốt trong thời gian thụ án”, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết trong thông cáo ngày 9/8.
Ông Lee, 53 tuổi, còn được gọi là “thái tử” Samsung, bị kết án tù 30 tháng tù với tội hối lộ người liên quan tới cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cùng một số tội danh khác và đã thụ án 18 tháng.
Trước đó, vào tháng 8/2017, ông bị kết án 5 năm tù nhưng tới đầu tháng năm 2018 được hoãn thi hành án và tại ngoại. Sau đó, tòa án ra phán quyết rút ngắn án tù của ông xuống còn 2,5 năm. Ông Lee bị đưa trở lại nhà tù vào tháng 1 năm nay.
Thời gian qua, sự ủng hộ với việc đặc xá cho ông Lee từ giới chính trị, công chúng cũng như cộng đồng doanh nghiệp tăng cao trong bối cảnh nhiều người quan ngại rằng tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc sẽ không thể ra các quyết định chiến lược quan trọng nếu không có ông.
Dù hoạt động hàng ngày tại Samsung - nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới - không bị ảnh hưởng bởi sự vắng mặt của ông Lee, những nhiều nguồn tin cho biết các quyết định lớn về đầu tư cũng như các dự án thâu tóm, sáp nhập chỉ có thể do ông quyết định.
Đặc biệt, việc đầu tư 17 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip cao cấp tại Mỹ của Samsung cũng đang chờ ông Lee trở về để quyết định, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu đang ngày càng trầm trọng, trong khi các đối thủ lớn như TSMC của Đài Loan hay Intel của Mỹ liên tiếp đầu tư lớn.
Sau công bố của Bộ Tư Pháp, Hiệp hội Công nghiệp Hàn Quốc bày tỏ sự hoan nghênh với quyết định đặc xá cho ông Lee.
"Nếu việc đầu tư - hiện đang bị bế tắc - không được quyết định nhanh chóng, chúng ta sẽ bị tụt lại so với các đối thủ toàn cầu như Intel và TSMC và nền kinh tế Hàn Quốc sẽ mất đi vị thế ngay lập tức”, hiệp hội trên cho biết trong thông cáo.
Tuy nhiên, sau khi ra tù, ông Lee sẽ vẫn phải đợi được Bộ Tư pháp chấp thuận mới có thể trở lại làm việc bởi luật pháp Hàn Quốc cấm những người có một số tiền án nhất định được làm việc tại các công ty có liên quan tới tiền án đó trong 5 năm.
Theo các chuyên gia về luật, ông Lee có thể sẽ được chấp thuận trở lại làm việc bởi số tiền liên quan tới vụ hối lộ đã được hoàn trả.
Tại Hàn Quốc, các tập đoàn lớn nhất vẫn thuộc sở hữu và được kiểm soát bởi nhà đình người sáng lập và hầu như không có chuyện trao quyền cho người ngoài gia đình, kể cả khi những thành viên đứng đầu đi tù.
Dù các cuộc thăm dò cho thấy 70% công chúng Hàn Quốc ủng hộ việc đặc xá cho ông Lee, một số nhóm hoạt động dân sự phản đối quyết định này và cáo buộc chính quyền của Tổng thống Moon Jae-In “đạo đức giả”. Ông Moon Jae-in lên nắm quyền sau khi bà Park Geun-hye bị phết truất giữa làn sóng giận dữ phản đối tình trạng tham nhũng trong giới chính trị và giới kinh doanh Hàn Quốc.
Tuy nhiên, dù được đặc xá, rắc rối pháp lý của ông Lee chưa chấm dứt. Hiện ông đang bị xét xử với cáo buộc gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu liên quan đến vụ sáp nhập năm 2015 của hai công ty con thuộc Samsung. Ngoài ra, hồi tháng 6, tòa án quyết định xét xử một vụ án riêng với cáo buộc ông sử dụng trái phép thuốc an thần. Ông Lee phủ nhận cáo buộc trong cả hai vụ án trên.