Cam kết vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam đã liên tục tăng trong các năm trở lại đây.
Vậy trong tình hình kinh tế hiện nay, con số cam kết vốn ODA cho Việt Nam năm 2009 - dự kiến được thông qua sau phiên bế mạc hội nghị thường niên nhóm tư vấn các nhà tài trợ, được tổ chức vào hai ngày 4 - 5/12 tới tại Hà Nội - liệu có tiếp tục lập kỷ lục mới?
Để xét nguồn vốn ODA tài trợ cho một quốc gia, hiệu quả sử dụng vốn là quan trọng. Các nhà tài trợ nhìn chung đều đánh giá Việt Nam sử dụng khá hiệu quả nguồn vốn ODA.
Về quan điểm của Chính phủ đối với nguồn vốn ODA, một báo cáo của Vụ Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa được công bố, cho biết Việt Nam luôn theo đuổi chính sách quản lý nợ thận trọng. Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý vay, trả nợ nước ngoài; xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu nợ, thu thập, báo cáo thông tin nợ; bảo lãnh, cho vay lại...
Các chỉ số nợ nước ngoài của Việt Nam từ năm 2000 đến nay luôn trong giới hạn an toàn. Tính đến 31/12/2007, tỉ lệ nợ nước ngoài so với GDP là 33%; nghĩa vụ trả nợ so với kim ngạch xuất khẩu là 3,99%; nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu Ngân sách Nhà nước là 4,12%.
Đánh giá về nợ nước ngoài của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đều cho là thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và nó còn thấp hơn nữa bởi thời gian ân hạn. WB và IMF đều đặt Việt Nam vào danh sách nhóm các nước có mối nguy cơ thấp về nợ nước ngoài.
Nhờ đó, quan điểm của các nhà tài trợ đều tương đối nhất quán trong ủng hộ Việt Nam. Tại buổi họp báo hôm 28/11, khi nói về cam kết tài trợ ODA cho Việt Nam, ông Martin Rama, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam, khẳng định rằng “WB vẫn tiếp tục ủng hộ cho Việt Nam”. Đại diện WB cũng cho rằng Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục duy trì tài trợ cho Việt Nam khoảng 1 tỷ USD/năm.
Trong phiên đối thoại với đại diện Chính phủ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 1/12, đa số các nhà tài trợ đều có chung đánh giá: những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ thời gian qua là hiệu quả và Việt Nam sẽ chịu ít ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Đây có thể là một lý do thuyết phục để các nhà tài trợ “rút hầu bao” cho cam kết tài trợ năm tới. Một lý do nữa được các nhà tài trợ đưa ra là trong khủng hoảng, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng có thể là một gợi ý tốt cho tận dụng tình thế trong điều kiện bất lợi.
Tuy nhiên, thị trường vốn thế giới đang gặp nhiều khó khăn lớn, do ảnh hưởng từ khủng hoảng, trong khi nhu cầu vay vốn vẫn tăng cao. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam chứng minh được khả năng sử dụng tốt từng đồng vốn vay sẽ là yếu tố quyết định sự khác biệt.
* Kể
từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình ODA cho Việt
Nam tháng 11/1993 đến nay, đã có tới 22 tỷ USD được giải ngân trong
tổng số 42,5 tỷ USD vốn ODA cam kết, tính đến trước thời điểm diễn ra
hội nghị CG lần này.
Trong nhiều năm trở lại đây, cam kết ODA cho Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới. Nếu như năm 2005 là 3,7 tỷ USD thì năm 2006 đã tăng lên hơn 4,4 tỷ USD. Năm 2007, cam kết ODA đạt 5,426 tỉ USD.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate