Những năm gần đây, dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 545,32 tỷ USD, tăng 5,4% với năm 2019. Lượng tờ khai được cơ quan hải quan xử lý, thông quan là 13,7 triệu tờ khai.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2020. Số lượng tờ khai hải quan được xử lý là 14,6 triệu tờ khai trong cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu.
Năm 2022, tính đến ngày 15/11/2022, số liệu thống kê sơ bộ về kim ngạch xuất nhập khẩu là 664,7 tỷ USD (xuất siêu là 8,66 tỷ USD,) tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021.
GIẢM 67 TRIỆU USD/NĂM NHỜ KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH
Thông tin tại hội nghị thương mại cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức ngày 07/12/2022 tại TP.HCM, ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho biết mỗi năm tổng số tờ khai xuất nhập khẩu từ 13-14 triệu/năm chưa tính thương mại điện tử. Riêng tờ khai thương mại điện tử khoảng 20-21 triệu/năm.
Do đó, vấn đề thông quan hàng hoá ngày càng đặt trách nhiệm nặng nề cho cơ quan hải quan. Đặc biệt là vấn đề hợp lý hoá các hoạt động kiểm tra chuyên ngành – một thủ tục xuất nhập khẩu thiết yếu nhằm đảm bảo hàng hoá xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), dự án Tạo thuận lợi thương mại TFP (USAID TFP) được thực hiện từ năm 2018 giữa USAID và Tổng cục Hải quan nhằm tập trung vào kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, kể từ năm 2018 đến nay, qua 5 đợt rà soát các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành và có những cải cách cần thiết, số lượng hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể, tạo thuận lợi cho thương mại và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp cả thời gian lẫn tiền bạc.
Cụ thể, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 30% năm 2015 giảm xuống còn 19%. Tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã giảm 12.600 (15%).
Ông Claudio Dordi, Giám đốc dự án Tạo thuận lợi thương mại, cho biết cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định TFA của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.
Còn theo ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam, USAID đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan và xây dựng nghị định kiểm tra chuyên ngành. Cơ quan hải quan sẽ đóng vai trò là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành, tuân theo chế độ dựa trên hàng hóa và các nguyên tắc quản lý rủi ro.
“Với việc thực hiện nghị định về kiểm tra chuyên ngành sẽ giúp kéo giảm 54% các biện pháp can thiệp tại cửa khẩu, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 67 triệu USD mỗi năm thông qua cắt giảm khoảng 2,5 triệu ngày công cùng các chi phí nhập khẩu liên quan”, ông Bradley Bessire nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với ngành hải quan khi sự phát triển về thương mại điện tử, sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, khối lượng công việc của cơ quan hải quan ngày càng tăng. Cơ quan hải quan phải áp dụng các hình thức quản lý mới nhằm ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi những cũng phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật…
Trước thực tế đó, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết Tổng cục Hải quan đã xây dựng Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 628 (ngày 20/05/2022), trong đó, mục tiêu phát triển hải quan nhằm phát triển thương mại, cũng như tăng cường chống buôn lậu.
CẦN CẮT GIẢM THÊM THỦ TỤC
Tại phiên thảo luận, ông Trần Việt Huy, Giám đốc Công ty Trasas, Trưởng ban Hải quan và Tạo thuận thương mại thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic (VLA), đề nghị các cơ quan hải quan xem xét linh động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Cái nào còn vướng chưa chỉnh sửa kịp thì nên xử lý theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ, trị giá hải quan là vấn đề phức tạp mà khi chưa có hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp rất dễ bị phạt.
Do đó, Bộ Tài chính cần có hướng hỗ trợ các tập đoàn lớn nước ngoài, họ đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, làm rất tốt nhưng bị truy thu hàng trăm tỷ đồng chỉ vì báo cáo tài chính sai lệch không đáng. Nên ưu tiên có cơ chế riêng kiểm toán 6 tháng/lần chứ không cần 2 năm để họ không bị vướng.
“Đối với các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, là hoạt động phức tạp, khó khăn nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành không hề có tổng đài, kết nối với doanh nghiệp để tiếp thu phản hồi trong khi ngành hải quan thì có đầy đủ. Để bớt phiền hà cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng nên mạnh tay cắt giảm thêm thủ tục này vì tốn nhiều thời gian cho doanh nghiệp”, ông Huy kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thời gian qua, các giải pháp liên quan đến quản lý rủi ro và kiểm tra chuyên ngành đã được tăng cường và làm khá tốt thông qua việc cắt giảm thủ tục tối đa để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.
Về lĩnh vực thực phẩm, nếu năm 2019 có tới 1.446 mã HS (mã số phân loại hàng hóa được quy chuẩn theo quy định của Hệ thống Phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới phát hành), đến năm 2021 giảm chỉ còn 1.015 mã và tiếp tục cắt giảm còn 445 mã vào năm 2022.
Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục rà soát, ban hành, chỉnh sửa bổ sung một số văn bản nhằm giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhất là loại bỏ các quy định chồng chéo giữa các bộ, đồng thời tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho chính cơ quan quản lý giám sát.
Đến tháng 6/2022, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan thực hiện 21 trong tổng số 24 điều khoản của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại. Việt Nam dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào cuối năm 2024; tạo thuận lợi thương mại đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam ở trong khu vực và trên thế giới.