Mô hình hợp tác giữa Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai. Qua đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
MÔ HÌNH HỢP TÁC HIỆU QUẢ
Khởi đầu từ UBND tỉnh Hải Dương, ngày 4/2/2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh.
Chương trình đã thực hiện tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng cho 15 doanh nghiệp trên địa bàn và nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, thay đổi nhận thức của cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp trong vấn đề duy trì các hoạt động cải tiến, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá cả, chất lượng, giao hàng mà còn cả về trách nhiệm với xã hội trong vấn đề về môi trường, an toàn lao động…
Tiếp nối những thành công của tỉnh Hải Dương, ngày 21/9/2020, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam đã được diễn ra.
Dự án hợp tác với UBND tỉnh Bắc Ninh mang tính dài hạn, định hướng phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với 2 nội dung chính, gồm: Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và Chương trình phát triển nhà cung ứng được diễn ra trong 6 năm từ 2020 – 2025. Dù chưa đi hết 1/3 chặng đường, Dự án đã bước đầu khẳng định tính hiệu quả cao với những kết quả khả quan từ phía doanh nghiệp
Phản hồi về chương trình hợp tác trên, Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trần Thành cho biết: “Chương trình tư vấn cải tiến đã giúp chúng tôi thay đổi và đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh . Đây là bước đệm khẳng định năng lực của công ty với các đối tác khác, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển mới”.
Bên cạnh đó, Dự án hợp tác còn thực hiện Chương trình phát triển nhà cung ứng tiềm năng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, dịch vụ tại tỉnh Bắc Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Đến nay, đã có 47 doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là nhà cung ứng của Samsung.
CẦN CHÍNH SÁCH THIẾT THỰC, ĐỦ MẠNH
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, thông qua số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp FDI tin tưởng Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư có nhiều điểm hấp dẫn, không đặt vấn đề rút vốn khỏi Việt Nam.
Lý do là so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam có nền chính trị, môi trường kinh tế ổn định, các chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện, nguồn nhân công giá rẻ và trình độ ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng được chú trọng phát triển và các thủ tục hành chính cũng dần được cải cách theo hướng đơn giản hóa.
Bên cạnh đó, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP cũng giúp các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhập khẩu linh kiện với giá rẻ hơn, khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng dần với tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia sẽ sớm rời bỏ Việt Nam nếu ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển…
Do đó, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.
Hiện nay, để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương chưa xây dựng các tiêu chí cụ thể, chưa có các chương trình hành động cụ thể và chưa bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.
Dưới góc độ doanh nghiệp FDI toàn cầu, ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: “Dự án tư vấn cải tiến cho các doanh nghiệp Việt Nam là sự khẳng định cam kết cũng như những nỗ lực mạnh mẽ của Samsung nhằm đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam trong việc gia tăng tỉ lệ nội địa hóa và sự hiện diện của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng phụ kiện cho Samsung”.