Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (1 luật sửa 5 luật).
Nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề thành lập tòa án chuyên biệt trong trung tâm tài chính.
KHÓ XỬ ÁN BẰNG TIẾNG VIỆT TRONG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng tòa chuyên biệt là để giải quyết những xung đột, tranh chấp phát sinh trong Trung tâm tài chính.
Trong trung tâm tài chính có cả các định chế tài chính Việt Nam nhưng chủ yếu là các định chế tài chính nước ngoài.
Xây dựng trung tâm tài chính để thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.
"Một trong những việc mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm là trong những tình huống pháp lý có xung đột thì tài sản và quyền sở hữu của người ta được bảo vệ và thiết chế để bảo vệ quỹ tài sản này chính là cơ quan giải quyết tranh chấp trong Trung tâm tài chính, trong đó có tòa chuyên biệt như chúng ta đang bàn.
Nhưng nếu trong luật của chúng ta chỉ giải quyết về mặt tổ chức là có Tòa chuyên biệt trong trung tâm tài chính có vẻ như chưa giải quyết thấu đáo, triệt để", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, câu chuyện về trung tâm tài chính có các vấn đề cần đặt ra. Một là tổ chức. Hai là ngôn ngữ trong xét xử. Hiện nay yêu cầu tòa án xét xử bằng tiếng Việt, trong luật ghi như vậy nhưng trong trung tâm tài chính, các định chế quốc tế nước ngoài với nhau thì xử bằng tiếng Việt thì khó.
"Chắc chắn chúng ta sẽ phải có một đội ngũ thẩm phán đủ năng lực để giải quyết những tranh chấp quốc tế có yếu tố nước ngoài nhưng trong ngắn hạn thì chưa đáp ứng được nên với kinh nghiệm của nhiều nước là người ta thuê thẩm phán nước ngoài.
Tuy nhiên thẩm phán trong trung tâm tài chính quốc tịch như thế nào cũng là câu chuyện cần phải được đặt ra", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói thêm.
THÀNH LẬP TÒA ÁN CHUYÊN BIỆT THEO LỘ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ
Còn Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng thể chế phải làm sao thúc đẩy quan hệ kinh tế thông suốt, nhất là vấn đề hội nhập.
Đề cập về trọng tài thương mại, đại biểu cho rằng vì khiếu kiện hủy phán quyết rất dễ và không tốn kém nên khi thua kiện là họ cứ nộp đơn lên tòa. Có những phán quyết trọng tài mang tính quốc tế rất cao và có trị giá rất lớn, có thể 50, 70 triệu đô la, thậm chí 100 triệu đô la, nếu giải quyết không tốt thì ảnh hưởng đến môi trường đầu tư rất nhiều.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có mối quan hệ gắn với các đạo luật và đặc biệt là Luật sửa đổi một số điều của 5 luật này.
"Đầu tháng 6 này tôi sẽ đi Trung Quốc và một số nước, đồng thời sẽ cử những đoàn tiếp theo nghiên cứu nhanh chóng để có thể nghiên cứu cả về mặt cơ cấu, mô hình, chức năng, nhiệm vụ và kể cả vấn đề thông luật như thế nào, áp dụng như thế nào để đảm bảo tính khả thi của nó.
Hiện nay mới quá nếu chúng ta đưa vào luật mai mốt chúng ta nghiên cứu không khả thi chúng ta chỉnh không được.
Chỉ muốn nói là sẽ thành lập tòa chuyên biệt, còn nghiên cứu chúng tôi sẽ làm theo lộ trình của Chính phủ trong Đề án của Chính phủ cũng như chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền của Bộ Chính trị.
Thông báo như vậy còn thực sự chúng tôi cũng băn khoăn nhưng đang phải nghiên cứu, đào tạo vấn đề ngôn ngữ tiếng Anh như thế nào, phải đào tạo kiến thức về thông luật, tức là phải hiểu các luật quốc tế hiện nay áp dụng trong tranh chấp này.
Đó là vấn đề lớn nhưng chúng tôi sẽ quyết liệt để làm theo yêu cầu chỉ đạo của cấp trên và đặc biệt cho xu thế phát triển của đất nước, chúng ta đang thành lập 2 trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.
Theo Chánh án, khi làm luật này chỉ điều chỉnh tập trung một số điều liên quan tới tổ chức bộ máy, còn những vấn đề khác sẽ sửa tổng thể.
"Ngay Luật Trọng tài thương mại sắp tới Chính phủ trình chúng tôi sẽ đề xuất có tòa chuyên trách kinh tế giải quyết vấn đề phán quyết của trọng tài ở 3 địa phương là TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.
Ngoài ra, trong nhiều đạo luật nói chung và kể cả 5 luật sửa bằng một luật này chúng tôi thống nhất trước hết nguyên tắc đầu tiên là tinh gọn bộ máy nhưng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Kỳ này 693 tòa huyện không còn nữa mà chúng ta thành lập 355 tòa khu vực, đó là tinh gọn.
Thứ hai là chúng ta xác định cả về mặt quy mô dân số, vụ án, vụ việc, kể cả thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ cũng lớn hơn trước nhiều, vì bây giờ toàn bộ án sơ thẩm là tòa khu vực làm hết.
Trong kỳ sắp xếp tổ chức và kỳ làm luật này chúng ta phải tăng cường nguồn lực và nhân lực cho tòa khu vực, đó là mục tiêu lớn mà Tòa án nhân dân tối cao sắp tới phải tập trung chỉ đạo, cả về nguồn lực, cả về con người, cả về mặt đào tạo để cập nhật những vấn đề pháp luật mới ban hành, kể cả vấn đề mới đặt ra yêu cầu hiện nay.
Ví dụ như liên quan tới phán quyết trọng tài, liên quan đến tòa chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, các tranh chấp quốc tế hiện nay đối với chúng ta là mới nhưng các nước khác đã làm rồi thì phải cố gắng học tập kinh nghiệm để làm tốt việc này trong thời gian tới", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nói thêm.