Theo Bloomberg, cơn sốt Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi giá tiền ảo này vẫn dao động quanh ngưỡng 57.000 USD, sau khi lập kỷ lục hơn 61.000 USD tuần trước. Dòng vốn chảy vào tiền ảo này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới.
Trong một báo cáo công bố tuần trước, các chiến lược gia của JPMorgan Chase & Co. ước tính dòng vốn bằng đồng USD từ các nhà đầu tư tổ chức chảy vào Bitcoin sẽ tăng 20% trong quý này so với quý trước. Trong khi đó, dòng vốn từ các nhà đầu tư bán lẻ tăng 90%.
Các chiến lược gia của Bank of America Corp dự báo dòng vốn ồ ạt chảy vào Bitcoin có khả năng đẩy giá của tiền ảo này tăng mạnh hơn so với các tài sản khác.
"Bitcoin cực kỳ nhạy cảm với nhu cầu tăng lên của đồng USD", các chiến lược gia của Bank of America nhận định. "Chúng tôi ước tính chỉ cần 93 triệu USD vốn ròng chảy vào Bitcoin cũng có thể khiến giá tiền ảo này tăng 1%. Trong khi đó, để giá vàng tăng 1% cần tới gần 2 tỷ USD - con số cao gấp gần 20 lần so với trường hợp Bitcoin".
Phân tích tương tự cho thấy vốn ròng nhiều tỷ USD cũng không gây ảnh hưởng nhiều tới giá của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn trên 20 năm.
"Điều này cho thấy bản chất ổn định và quy mô lớn hơn nhiều của thị trường trái phiếu Mỹ", nhóm chiến lược gia của Bank of America nhận xét.
Giá Bitcoin đã tăng gấp đôi từ đầu năm nay khi cả các nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân đua nhau rót tiền vào tiền ảo này. Một số khoản đầu tư lớn phải kể đến 1,5 tỷ USD của hãng xe điện Tesla, cùng hãng tỷ USD từ các công ty như Microstrategy, Mass Mutual và Square.
Thời gian gần đây, tiền ảo bắt đầu nhận được sự tín nhiệm từ nhiều nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư xem Bitcoin như một kênh đầu tư số thay thế cho vàng hoặc là một tài sản giúp chống lại rủi ro lạm phá do có nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, không ít người cho rằng cơn sốt Bitcoin thời gian qua là một bong bóng đầu cơ và tỏ ra quan ngại về những vấn đề như tiêu thụ năng lượng khi khai thác Bitcoin, giá trị thực tế của tiền ảo này...
"Bởi vì khoảng 95% tổng số Bitcoin đang lưu hành nằm trong tay của 2,4% tài khoản lớn nhất, cho nên tiền ảo này không thể được xem là một công cụ thanh toán hay thậm chí một công cụ đầu tư", các chiến lược gia của Bank of America cảnh báo.
Theo Bank of America, một nhân tố nữa cũng có khả năng đẩy giá Bitcoin lên cao là động thái "găm hàng" của các nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường - thường được gọi là "cá mập", hoặc những nhà đầu tư tổ chức chỉ mua vào Bitcoin chứ không bán ra.
"Phân tích các bảng ghi chuỗi khối chi tiết, chúng tôi phát hiện ra rằng các tài khoản Bitcoin lớn nhất chưa từng bán ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát", các chiến lược gia của Bank of America cho biết.
Theo một số nhà phân tích khác, diễn biễn giá của Bitcoin - tiền ảo với nhiều biến động và thanh khoản kém - đơn giản xuất phát từ các điều kiện của thị trường tại từng thời điểm.
"Dù phần lớn biến động giá Bitcoin là do tâm lý đầu cơ, những đợt tăng hoặc giảm giá mạnh có thể được giải thích là do thanh khoản kém ở cả hai chiều trong một thời điểm nhất định", Jeffrey Halley, chiến lược gia cấp cao về thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tài chính Oanda, cho biết.