Căn cứ đăng ký của 63 tỉnh/thành phố, đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2025 như sau: Trẻ em dưới 1 tuổi là 1.352.419 trẻ; 1.261.528 trẻ 18 tháng tuổi; 1.493.152 trẻ em 7 tuổi và 1.236.995 phụ nữ có thai.
Tổng số vaccine là 33.029.000 liều, bao gồm 12 loại vaccine là viêm gan B sơ sinh, Lao, DPT-VGB-Hib, Bại liệt uống, Bại liệt tiêm, Sởi, Sởi - Rubella, Viêm não Nhật Bản, Uốn ván, Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Uốn ván - Bạch hầu giảm liều và Rota.
Nhu cầu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2025 được ước tính trên cơ sở đăng ký nhu cầu của 63 địa phương, bao gồm số vaccine để tiêm bù mũi cho những đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2024 chưa được tiêm chủng đủ mũi, đối tượng của năm 2025, và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2026 theo quy định tại Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, số vaccine mua năm 2024 dự kiến còn tồn tại thời điểm cuối năm 2024, chỉ tiêu tiêm chủng và hệ số sử dụng vaccine.
Để triển khai kế hoạch tiêm chủng trong năm 2025, Bộ Y tế sẽ triển khai các biện pháp như: Rà soát và đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư về hoạt động tiêm chủng; xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine mới.
Cùng với đó, mua sắm vaccine cho tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung, tiêm bù, tiêm vét, và triển khai vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng năm 2025, bao gồm 11 loại vaccine: Viêm gan B sơ sinh, Lao, Bại liệt uống, Sởi, Sởi - Rubella, Viêm não Nhật Bản, Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Uốn ván - Bạch hầu giảm liều, Uốn ván, Rota và DPT-VGB-Hib. Riêng vaccine Bại liệt, tiêm tiếp nhận viện trợ từ Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI).
Các hoạt động khác cũng sẽ được thực hiện là kiểm định vaccine; tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine; triển khai kế hoạch sử dụng vaccine đảm bảo tiêm chủng an toàn và đạt tiến độ; tăng cường giám sát các bệnh có vaccine trong tiêm chủng; tăng cường an toàn tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm; bồi thường tiêm chủng…
Về kinh phí, ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế, để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, theo quy định tại Nghị định số 13/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Kinh phí địa phương bảo đảm nguồn lực cho hoạt động của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, trừ các hoạt động đã được ngân sách Trung ương bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 13/2024/NĐ-CP.
Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng của Bộ này là đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan mua sắm vaccine trong tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, hướng dẫn triển khai kế hoạch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc giám sát, theo dõi, và báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cấp cứu, xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm.
Cục Quản lý Dược là đầu mối quản lý cung ứng vaccine và đảm bảo chất lượng vaccine tiêm chủng lưu hành tại Việt Nam; phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vaccine theo quy định.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn; tăng cường sự phối hợp của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện về giám sát, điều trị các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vaccine trong tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ. Chỉ có vaccine phòng Lao, vaccine Sởi và vaccine DPT đạt tiến độ theo kế hoạch.