Ngày 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Đồng thời siết các quy định xét tuyển bằng học bạ.
Ngoài ra, điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
XÉT TUYỂN SỚM BỘC LỘ NHIỀU HẠN CHẾ
Theo bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Hà Nội luôn là đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất trong cả nước với tỷ lệ nhập học ngày càng tăng dần.
Bà Giang chia sẻ trong những năm qua khi triển khai hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm, Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội thấy bộc lộ một số tồn tại như với mong muốn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng chỉ tiêu xét tuyển sớm nên thí sinh đã làm nhiều hồ sơ đăng ký vào nhiều cơ sở đào tạo, dẫn đến các trường THPT mất rất nhiều thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ cho thí sinh trong khi đây là thời gian cao điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hơn nữa, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh không có tâm lý tiếp tục ôn tập, vì chỉ cần đạt được tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi và ảnh hưởng đến tâm lý ôn tập của các thí sinh khác. Vì thế, bà Giang cho rằng việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển và giảm được được các tồn tại nêu trên.
Bà Giang cũng đồng tình với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, vì như vậy, đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở Học kỳ II năm lớp 12, vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho rằng cần nhìn nhận lại hệ thống tuyển sinh hiện tại và xem xét những sửa đổi làm sao cho khả thi và phù hợp. Theo đó, đối với việc xét tuyển sớm, thì các trường cần quy định rõ, chỉ được thông báo trúng tuyển sớm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo không gây xáo trộn quá trình học tập, không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi THPT.
CẦN MẠNH DẠN BỎ XÉT TUYỂN SỚM
Cũng về vấn đề xét tuyển sớm, theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, khi tất cả các trường đều xét tuyển sớm sẽ làm các trường phổ thông vất vả, khối lượng xác nhận nhiều, các em không quan tâm đến học kỳ 2 năm lớp 12. Có trường chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 nên có câu chuyện học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học nữa.
"Do vậy, chúng tôi ủng hộ điểm mới trong dự thảo quy chế là nếu xét tuyển bằng học bạ THPT phải có đủ 6 học kỳ, để thí sinh tập trung học tập nghiêm túc đến cuối năm học. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế; tăng cường chế tài về công tác thanh tra, hậu kiểm để công tác tuyển sinh đi vào nền nếp, hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Đào Tùng trao đổi.
Giám đốc Học viện Tài chính đề nghị cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa. Đồng thời, đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2 các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thực sự.
Chung quan điểm trên, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho rằng việc các em lơ là, không tập trung học ở thời điểm cuối năm lớp 12, hay các em chỉ tập trung học những môn học để thi ở THPT cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, làm mất cân bằng đến quá trình các em học đại học sau này. TS Võ Thanh Hải cũng ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm, cần siết chặt lại các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng việc xét học bạ THPT phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 sẽ đảm bảo đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh ở cấp THPT, tránh hiện tượng học lệch hay bỏ một số môn ở học kỳ 2 lớp 12.