November 02, 2007 | 08:48 GMT+7

Cân nhắc thuế thu nhập từ chứng khoán

Minh Đức

Một lần nữa những nội dung liên quan đến thu nhập từ chứng khoán lại trở thành một bức xúc trong giới đầu tư

Mức thuế 25% đã gây “sốc” đối với nhiều nhà đầu tư.
Mức thuế 25% đã gây “sốc” đối với nhiều nhà đầu tư.
Theo chương trình nghị sự kỳ họp Quốc hội lần này, Dự luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được đưa ra thảo luận tại hội trường.

Một lần nữa những nội dung liên quan đến thu nhập từ chứng khoán lại trở thành một bức xúc trong giới đầu tư.

Dù đã được đề cập đến khá nhiều trong thời gian qua, đã có những giải trình nhất định từ một số thành viên Ban soạn thảo, nhưng kỳ vọng chung của giới đầu tư là qua kỳ họp này, Dự luật sẽ có những sửa đổi cần thiết.

Theo Dự luật, lợi tức cổ phần (cổ tức) sẽ bị chịu mức thuế 5%. Chưa nói đến mức thuế, ngay khi cổ tức bị đưa vào diện chịu thuế, nhiều ý kiến đã lo ngại ở khả năng có sự chồng chéo trong chính sách thuế, đánh thuế hai lần và cho rằng đây là một sự tận thu chưa công bằng.

Tại kỳ họp lần này, TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, tiếp tục khẳng định việc đánh thuế nói trên là thuế trùng thuế vì trước đó, doanh nghiệp đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và nếu nhà đầu tư, cổ đông phải chịu thêm mức thuế 5% sẽ bị thuế chồng lên thuế và không đúng với thuế thu nhập cá nhân.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho rằng nếu đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, chính là đã đánh thuế vào nhà đầu tư, cổ đông của công ty. Vì vậy, không nên phân biệt rạch ròi giữa hai chủ thể là doanh nghiệp và cổ đông trong trường hợp này.

Một số ý kiến khác lại đưa ra so sánh. Với lãi tiền gửi tiết kiệm hiện nay, tính bảo toàn vốn rất cao, lãi suất cũng khá cao, gần 10%/năm, lại chưa bị đánh thuế.

Trong khi cổ tức chịu nhiều rủi ro hơn, lệ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cũng thường phải bỏ thời gian, chi phí nhất định để tìm được địa chỉ có thể tạo ra một tỷ lệ cổ tức sinh lợi cao nhưng hiện vẫn nhiều công ty cổ phần chỉ có tỷ lệ cổ tức hàng năm dưới 15%.

Mặt khác, trong tỷ lệ đó, cổ đông (người chịu thuế) còn phải đối mặt với khả năng lạm phát liên tục tăng cao. Từ đây, những kỳ vọng chung của cổ đông hiện nay là có tính “công bằng” ở khoản thu nhập này, tạm thời chưa đánh thuế như tiền lãi tiết kiệm.

Về khả năng thuế trùng thuế như những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung từng giải thích rằng: “Nếu một người bỏ tiền đầu tư vào một pháp nhân, phần lợi nhuận đó do pháp nhân tạo ra thì Nhà nước đánh thuế trên pháp nhân đó. Còn nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ doanh nghiệp đó thì chịu thuế thu nhập cá nhân, nó cũng giống như việc dùng lợi tức đó để đi mua hàng hoá và có thể phải chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt. Các sắc thuế này khác nhau nên không thể coi là đánh thuế trùng thuế”. Nhưng dự kiến vấn đề này sẽ tiếp tục được “lật lại” tại phiên thảo luận cụ thể của kỳ họp Quốc hội lần này.

Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, về cơ bản đã nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến tham gia góp ý Dự luật. Nhưng mức thuế 25% đã gây “sốc” đối với nhiều nhà đầu tư và không nhận được sự đồng thuận từ một số đầu mối tham gia góp ý.

Theo Thứ trưởng Trương Chí Trung, Dự luật đưa ra mức thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn là 25%. Cách thu cụ thể là khi nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phiếu, công ty sẽ chứng khoán khấu trừ 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng.

Cuối năm, người có thu nhập kê khai xem lợi nhuận trong cả năm là bao nhiêu, tính toán mức thuế thu nhập 25% là bao nhiêu và trừ đi tổng số tiền đã khấu trừ tại mỗi lần chuyển nhượng. Nếu họ đã nộp quá thì được hoàn trả, nếu thiếu thì phải đóng thêm.

Về chính sách thuế này, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) vừa có một bản kiến nghị, trong đó khẳng định việc đánh thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là đúng nhưng cần tính đến lộ trình.

VASB cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang còn trong thời kỳ non trẻ, số lượng người dân tham gia mới chỉ chiếm tỷ lệ 0,26% dân số, việc kinh doanh chứng khoán khi có lãi thì thu thuế, khi lỗ thì không ai bù.

Bên cạnh đó, việc thu thuế cá nhân của các nhà đầu tư chủ yếu ở các doanh nghiệp giao dịch trên sàn niêm yết, trong khi, giao dịch tự do, mua bán trao tay thì không ai kiểm soát và không phải đóng thuế, từ đây có thể thiếu tính công bằng.

Góp ý cho Dự luật, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng cho rằng cần có một lộ trình thích hợp theo hướng phát triển của thị trường; khởi điểm ở mức 5%, sau đó căn cứ theo mức độ, phạm vi hoạt động của thị trường chứng khoán để có thể áp mức 10%, 15% cho đến khi thị trường phát triển ổn định, nhà đầu tư có kinh nghiệm thì tiến đến mức 25%.

Thực tế phần lớn nhà đầu tư cá nhân hiện nay mới tham gia thị trường, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế. VNBA cũng đề nghị nếu thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến giảm thì mức thuế đối với đầu tư chứng khoán cũng cần giảm tương ứng.

Đầu tư chứng khoán đang định hình thành một nghề mới tại Việt Nam. Đó là một nghề nghiêm túc trong đầu tư trình độ, kinh nghiệm và thời gian. Đây cũng là nghề khắc nghiệt bởi tính rủi ro cao. Trên thực tế, nhiều người đã chuyển hẳn từ những công việc khác nhau, xác định đầu tư chứng khoán là nghề chính và là thu nhập chính, thậm chí là thu nhập chính của cả gia đình.

Vậy, họ sẽ được giảm trừ gia cảnh như thuế thu nhập cá nhân thông thường? Họ có được giảm trừ những chi phí khó xác định và chứng minh như bồi dưỡng kiến thức, chi phí môi giới, chi phí thông tin, chi phí vay vốn? Đây cũng là những vấn đề cần xét đến để đảm bảo tính công bằng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate