Gặp khó khăn, hạn chế về đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp tại một số địa phương phía Nam phải cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua báo cáo của 25 địa phương, đơn vị, ngành có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết hiện chưa ghi nhận phản hồi từ phía các doanh nghiệp về việc cắt giảm lao động. “Về mặt bằng chung, thị trường lao động Hà Nội từ nay đến cuối năm vẫn có có những sự sôi động nhất định. Các phiên giao dịch việc làm vẫn được tổ chức đều đặn, chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận các đơn hàng tuyển dụng từ phía doanh nghiệp, thậm chí thời điểm này số lượng còn tăng hơn so với những tháng trước đây”, ông Thành đánh giá.
Trao đổi về tình trạng một số doanh nghiệp phía Nam phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt, ông Thành cho rằng có thể do thiếu đơn hàng hoặc nguyên vật liệu. Ngoài ra, do biến động về tình hình thế giới, một số nước như Mỹ và một số nước châu Âu có hiện tượng lạm phát, vì thế nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam có những đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này đã chịu những sự ảnh hưởng nhất định.
“Nhiều doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, nghỉ việc luân phiên là khó khăn trong bối cảnh chung của thế giới đã có những tác động, ảnh hưởng đến tình hình phát triển, sản xuất kinh doanh của các đơn vị doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khu vực phía Nam”, ông Thành nhận định.
Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), việc các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhiều người lao động mất việc là điều cả doanh nghiệp và người lao động đều không mong muốn.
Vì vậy, ông Trung cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động; tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân người lao động. Cùng với đó, các đơn vị cần lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai.
Trong trường hợp doanh nghiệp không thể giải quyết được vấn đề việc làm, cần phải thực hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn tại địa phương cần có hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, đặc biệt về tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Với người lao động, ông Trung nhấn mạnh, bên cạnh việc chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh bị giảm đơn hàng, bản thân họ cần cần nhận thức đầy đủ, biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian này, người lao động nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức, đồng thời họ cần chủ động với các Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp.
Theo ông Trung, các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động. Đơn vị này cũng cần nắm thông tin thị trường lao động cung ứng lao động các đơn vị giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn.
Ông Vũ Quang Thành cũng cho biết, căn cứ diễn biến trên thị trường lao động, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tiếp tục tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các nhóm đối tượng phù hợp. “Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, tập trung tối đa để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm việc làm. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng đủ lực lượng lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, còn người lao động sẽ tìm kiếm được việc làm, đảm bảo cho thu nhập, ổn định cuộc sống dịp sát Tết”, ông Thành nhấn mạnh.