Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản chỉ rõ, trong quý 1/2021, cả nước có 25.386 giao dịch BĐS thành công. Con số này chỉ bằng khoảng 86% so với quý 4/2020. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung mới được chào bán ra thị trường khá hạn chế.
TỒN KHO KHOẢNG 3.300 CĂN NHÀ
Cụ thể, tại miền Bắc có 11.011 giao dịch, miền Trung có 8.307 giao dịch và miền Nam có 6.068 giao dịch thành công. Trong đó, riêng Hà Nội có 5.571 giao dịch và Tp.HCM có 3.449 giao dịch thành công. Nhìn chung, các giao dịch tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân. Lượng giao dịch bất động sản nhà ở cao cấp vẫn ít và còn giảm hơn so với quý trước.
Qua tổng hợp, phân tích số liệu về nguồn cung cũng như lượng giao dịch bất động sản từ báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết: trong quý đầu năm 2021, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính chỉ vào khoảng 3.300 căn. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường trong quý 1/2021 tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020 và so với quý trước.
Các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh... Trong khi đó, các tỉnh, thành phố, đô thị lớn, tập trung gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM, Quảng Ninh. Các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như: Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, thị trường cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định. Lượng nhà ở chào bán ra thị trường chưa được giao dịch đạt mức thấp.
Sự khởi sắc của thị trường cũng kéo theo số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng mạnh. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý 1/2021, có 1.733 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không nhiều – có 694 doanh nghiệp.
Ngay từ những tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh. Bởi vậy, dự báo nguồn cung các dự án bất động sản trong năm 2021 sẽ có sự tăng trưởng nhờ vào động thái tăng tốc này của các doanh nghiệp.
Cụ thể, ngay từ đầu năm, Vingroup đã công bố chiến lược phát triển 25 trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall trên toàn quốc tại 19 tỉnh/ thành, gồm: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Biên Hòa, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Việt Trì...
Đất Xanh miền Trung đặt kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2021 sẽ khởi công xây dựng 100 căn shophouse tại dự án Regal Pavilon; xây tháp đôi chung cư cao cấp Marie One Complex, triển khai dự án Ocean Caviar (Khu dân cư Bảo Ninh 1); tháng 6 dự kiến hoàn tất thủ tục và khởi công dự án Smart City tại Điện Bàn và Hội An (Quảng Nam).
Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, năm 2021, doanh nghiệp này sẽ ra mắt dự án chung cư cao cấp với hàng ngàn căn hộ tại huyện Nhà Bè và phát triển mảng bất động sản nghỉ dưỡng biển với dự án L’Alyana Senses World tại Phú Quốc. Tập đoàn Novaland cũng công bố triển khai mạnh một loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận trong năm nay.
Doanh nghiệp này cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án hiện hữu như Nova Phan Thiết, Nova Hồ Tràm, Aqua City Biên Hòa. Đồng thời bắt tay với nhiều đại lý phân phối để chuẩn bị thực hiện kế hoạch tung lượng lớn sản phẩm ra thị trường ngay trong năm nay và những năm tiếp theo.
TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Theo Bộ xây dựng, với những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy, thị trường BĐS trong quý đầu năm nay vẫn đang và sẽ phát triển ổn định.
Song, cũng phải nhìn nhận rằng dù thị trường đã có khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn và còn một số biến động. Đặc biệt là việc tăng giá mạnh, trong thời gian ngắn của phân khúc đất nền.
Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá: “Hiện tượng sốt đất nền mới chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường, cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, cần phải có sự theo dõi kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời của các bộ, ngành, chính quyền địa phương để tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” bất động sản”.
Để thị trường bất động sản thực sự ổn định và phát triển lành mạnh, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách, nghị định mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Trong đó, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ hoàn thiện quy định pháp luật để công bố hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp... không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích. Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Các địa phương có trách nhiệm khẩn trương thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hiện tượng sốt đất, kiểm soát, ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn. Hoàn thiện phê duyệt các đồ án quy hoạch, chú trọng tới các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản. Đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.
Ngoài ra, phải có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng. Quản lý, kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần thông qua biện pháp quản lý tốt các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án “ma”, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục về đầu tư, giao đất, xây dựng, kinh doanh bất động sản và triển khai thực hiện dự theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng triển khai các dự án, triển khai đầu tư dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để sớm đưa vào khai thác, sử dụng tăng nguồn cung kịp thời đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.