April 23, 2021 | 06:42 GMT+7

Cần sửa Luật Điện ảnh để quản lý phát hành, phổ biến phim trên Internet

Thủy Diệu

Đang tồn tại các trang web, các app cung cấp phim nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên mạng Internet đang tồn tại các trang web, các app cung cấp phim (gồm cả miễn phí và thu tiền người xem thông qua hình thức cho thuê phim, cho mua phim) nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim, nên có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật, cung cấp phim không có bản quyền...

Do vậy, theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), để quản lý được các loại hình này, cần sửa đổi Luật điện ảnh một cách toàn diện.

Dịch vụ OTT TV do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chỉ là một trong rất nhiều loại dịch vụ sử dụng mạng Internet để cung cấp nội dung đến cho người dùng. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, quản lý về phim là quản lý về nội dung và việc quản lý nội dung này phải được thực hiện đồng bộ về cách thức quản lý. Bởi việc phát sóng trên truyền hình, chiếu tại rạp hay cung cấp trên môi trường internet chỉ là phương thức để cung cấp phim đó đến người xem.

Với quan điểm, chủ trương quản lý thông tin trên hạ tầng mạng đã được quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP và cả Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013 đang được xây dựng, thì Luật Điện ảnh sửa đổi cần thống nhất việc phát hành, phổ biến phim trên mạng Internet là dịch vụ ứng dụng chuyên ngành thuộc lĩnh vực điện ảnh và thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hiện nay, lĩnh vực quản lý của hầu hết các Bộ, ngành đều được cung cấp trên mạng thông qua ứng dụng chuyên ngành, như mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến, giáo dục - đào tạo trực tuyến, phát hành, phổ biến phim trực tuyến, thanh toán trực tuyến… 

Do đó, theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, việc quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin, dịch vụ trên mạng liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Vì vậy, để việc quản lý nội dung, dịch vụ trên mạng một cách hiệu quả cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan. Đồng thời cũng cần có sự phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành để từng bộ, ngành chủ động trong công tác quản lý, quản lý tốt lĩnh vực thuộc trách nhiệm của mình trên môi trường mạng.

Trên thực tế, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện khá tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành, phổ biến phim trên mạng internet, qua sự việc phim sitcom Căn hộ số 69 phát hành trên YouTube. Thời điểm đó, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc. Ngày 20/6/2014, Cục Điện ảnh có văn bản gửi Thanh tra Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý êkip làm phim Căn hộ số 69 vì đã vi phạm Luật Điện ảnh, phát hành phim chưa có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và tự ý dán nhãn 18+. 

Hay Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Nguyễn Thành Nam (tức Nam Cito), giám đốc sản xuất Căn hộ số 69, 10 triệu đồng - mức phạt cao nhất đối với những hành vi vi phạm Nghị định 158 của Chính phủ. Quyết định nêu rõ, Nam Cito đã "chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng". Ngoài ra, văn bản nêu rõ, tình tiết tăng nặng là nhà sản xuất phim "vi phạm hành chính có tổ chức".

SỬA THEO HƯỚNG NÀO?

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử) với quan điểm nêu trên, phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, đã đề nghị sửa đổi Luật Điện ảnh về phổ biến phim trên Internet, trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet theo hướng:

Thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng I nternet, theo đó cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế, ... Về đầu mối quản lý nội dung phim theo pháp luật về điện ảnh nên tập trung về Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối với phim phổ biến trên mạng Internet, trên dịch vụ OTT TV phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấy phép phổ biến hoặc phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, quyết định phát sóng, phổ biến.

Đồng thời, cần có các quy định về cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm, ... và gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; đơn vị cung cấp buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate