October 31, 2021 | 06:00 GMT+7

“Cần tận dụng những năm còn lại của cơ hội dân số vàng”

Quang Trung -

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho biết kỹ năng số của lực lượng lao động hiện tại đang xếp ở cuối bảng của khu vực, do đó việc cơ cấu lại nền kinh tế cần gắn liền với cơ cấu lại thị trường lao động, chú trọng hơn vào chất lượng...

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai), thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng 30/10 - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai), thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng 30/10 - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới việc phát triển thị trường lao động trong giai đoạn tới, theo hướng chủ động hơn với chất lượng cao hơn và ứng phó tốt hơn với những tác động khác bên cạnh đại dịch Covid-19.

CÒN 20 NĂM ĐỂ TẬN DỤNG CƠ HỘI VÀNG DÂN SỐ

Rút ra bài học từ thực trạng thị trường lao động thời gian qua, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng Chính phủ cần phải quan tâm hơn nữa đến thị trường lao động và chất lượng nguồn nhân lực để không chỉ đồng hành mà phải chủ động hơn với các thị trường khác. Như vậy, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế mới đạt được hiệu quả.

Theo đại biểu, việc kết nối, liên thông thị trường lao động phải được điều chỉnh về mặt thời điểm thực hiện so với Quyết định số 176 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thì mới có thể hỗ trợ được trong công tác này.

“Theo quy định này thì năm 2026 chúng ta mới kết nối, liên thông toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu. Nếu không làm được điều này sớm thì tôi cho rằng chúng ta sẽ đi chậm hơn so với thị trường”, đại biểu đoàn Gia Lai nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Ngọc Quý cũng cho rằng cần phải chú ý hơn tới việc cơ cấu lại và phát triển thị trường lao động, không chỉ trên những chỉ số mục tiêu khái quát mà phải có thay đổi về chất thực sự để khắc phục những hạn chế hiện nay.

Đại biểu dẫn chứng số liệu cụ thể về hiệu suất về sử dụng lao động giai đoạn vừa qua dù có cải thiện nhưng không nhiều.

“Năng suất lao động có tốc độ tăng, đạt kế hoạch nhưng giá trị tuyệt đối không cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 hiện nay chúng ta đã đạt khoảng 67% nhưng tỷ lệ đào tạo sơ cấp chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ đào tạo có bằng cấp chứng chỉ ở mức khoảng độ 26,1% cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, nếu trừ đi trình độ đại học ra thì các trình độ khác như sơ cấp, cao đẳng, trung cấp đều ở mức dưới 5% và tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn cao. Và đây là khu vực được đánh giá yếu nhất về kỹ năng nghề”, đại biểu Đinh Ngọc Quý dẫn chứng.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại đầu cầu hội trường Diên Hồng sáng 30/10 - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận tại đầu cầu hội trường Diên Hồng sáng 30/10 - Ảnh: Quochoi.vn

Cũng theo đại biểu, dù Việt Nam xem kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng trong các thập kỷ tới, nhưng kỹ năng số của lực lượng lao động hiện tại đang xếp ở cuối bảng của khu vực. Giới chuyên gia quốc tế nhận định nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động.

“Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm đầu tư hơn, chú trọng hơn đến các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phản ánh được cơ cấu lại thị trường lao động về chất lượng. Tận dụng những năm còn lại của cơ hội dân số vàng chỉ đến với mỗi quốc gia có một lần. Chúng ta chỉ còn khoảng 20 năm cho dư lợi dân số này”, Đại biểu Đinh Ngọc Quý kiến nghị.

Phân tích rằng vốn nhân lực hiện tại của Việt nam hiện đang ở khoảng 0,68-0,69, cao hơn với mức trung bình của thế giới và trong khu vực, đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để không chỉ để khắc phục được những hạn chế hiện nay mà còn bù đắp cho lực lượng lao động sụt giảm và già hóa dân số tăng nhanh.

CÓ KẾ HOẠCH GIẢI QUYẾT LAO ĐỘNG DÔI DƯ KHI CHUYỂN SANG KINH TẾ SỐ

Quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho biết năng lực, trình độ ứng dụng của nguồn nhân lực hiện tại vẫn chưa đảm bảo điều này.

Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) thảo luận tại hội trường Diên Hồng - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) thảo luận tại hội trường Diên Hồng - Ảnh: Quochoi.vn

“Thực tế cho thấy, chương trình đào tạo tiêu chuẩn đầu vào trong thi tuyển, tuyển dụng, sắp xếp ngạch bậc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay thì chủ yếu là yêu cầu trình độ tin học văn phòng với những kiến thức cũng đã lạc hậu. Đào tạo nguồn nhân lực chung thì cũng chưa có định hướng cụ thể gắn với yêu cầu của nền kinh tế số. Trình độ hiểu biết để ứng dụng thành tựu công nghệ mới của xã hội cũng còn hạn chế”, đại biểu Lê Minh Nam phân tích.

Theo đại biểu, nếu không chủ động giải quyết sẽ dẫn tới những nguy cơ lạc nhịp khi công nghệ phát triển nhưng nguồn nhân lực không thể ứng dụng hoặc ứng dụng không hiệu quả.

Đại biểu kiến nghị cần triển khai các giải pháp đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng ứng dụng đại trà cho cả nguồn nhân lực và người thụ hưởng để các bên cùng tương tác, kết nối để phát triển kinh tế số một cách đồng bộ. Song song với đó, phải có kế hoạch giải quyết hậu quả lao động dôi dư khi chuyển đổi kinh tế số.

“Tự động hóa sử dụng robot có khả năng năng suất, hiệu quả cao sẽ thay thế lao động của nhiều ngành công nghiệp như là da giày, may mặc, lắp ráp trong tương lai gần. Xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ như ngân hàng điện tử, smart banking, thương mại điện tử, khám bệnh từ xa, dạy học trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu nhân lực ở các lĩnh vực này”, đại biểu đoàn Hậu Giang nhận định.

Đại biểu cho rằng trong khoảng 3 năm nữa, biến động cơ cấu lao động việc làm sẽ rất khác biệt, nếu không chủ động kế hoạch giải quyết từ sớm, từ xa sẽ phải đối mặt với những hệ lụy tiêu cực trong thời gian sắp tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate