Đề xuất được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nêu tại Phiên đối thoại định kỳ của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, sáng 27/4.
Tại phiên đối thoại, bà Đào Thị Thu Huyền, chuyên viên Ban Lao động, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục nêu kiến nghị về vấn đế mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghệ nghiệp. Theo bà Huyền, tỷ lệ đóng vào quỹ này nên chia theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro khác nhau. Ví dụ với những ngành nghề có nhiều rủi ro, nguy cơ cao dẫn đến tai nạn lao động thì nên nâng trách nhiệm của người sử dụng lao động lên.
“Việc này sẽ giúp ích nhiều hơn trong đảm bảo an toàn lao động cho người lao động cũng như tạo được sự công bằng hơn, còn hiện nay với những ngành nghề độc hại tại Việt Nam vẫn đang cào bằng mức đóng như nhau”, bà Huyền nói.
Cụ thể về mức đóng, trong giai đoạn dịch Covid-19, các cơ quan đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng, tính đến hết 30/6/2022.
Hiện nay mức đóng đã được áp dụng theo quy định cũ, tức là mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị nên xem xét giảm hẳn việc đóng này cho doanh nghiệp để nhằm tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.
Một khó khăn nữa cũng được Hiệp hội doanh nghiệp này nêu là về đối tượng huấn luyện sơ cấp cứu, hiện nay đang quy định tất cả những người lao động, trừ những người đã có chứng nhận huấn luyện an toàn lao động đều phải học và được cấp chứng chỉ huấn luyện sơ cấp cứu.
Song đơn vị này cho rằng điều này không quá cần thiết cho tất cả người lao động, bởi mạng lưới vệ sinh viên an toàn lao động hiện nay trong mỗi doanh nghiệp đang được thực hiện rất tốt. Mỗi bộ phận đều có người có chuyên môn về sơ cấp cứu, và phụ trách toàn bộ vấn đề an toàn, sơ cấp cứu của bộ phận này.
“Bây giờ lại huấn luyện cho toàn bộ người lao động thì chi phí sẽ rất lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi kiến nghị nên bỏ quy định tất cả đối tượng đều phải học sơ cấp cứu, mà chỉ nên áp dụng với hệ thống vệ sinh an toàn viên thì sẽ hiệu quả hơn”, bà Huyền nói.
Giải đáp kiến nghị của phía Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, đối với mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đơn vị sẽ nghiên cứu tiếp thu. Tuy nhiên, để có cơ sở đề xuất sửa đổi sắp tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để đánh giá tổng thể việc triển khai chính sách này.
Tại phiên đối thoại, nhiều vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho người lao động cũng được các đơn vị, đại diện các doanh nghiệp đề xuất.
Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị có một chính sách hỗ trợ cho nông dân sau bị tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bởi hiện tỷ lệ người nông dân có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội rất ít, trong khi nông dân chiếm không nhiều trong lực lượng lao động, chỉ khoảng 13%.
Một số doanh nghiệp, địa phương cũng kiến nghị thêm các vấn đề khác như: Bổ sung quy định phí tối thiểu đối với dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; cho phép doanh nghiệp có cơ sở đào tào được cử giáo viên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn về huấn luyện để doanh nghiệp chủ động trong việc tổ chức; đề xuất sửa đổi theo hướng người sử dụng lao động trích lại % mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại cơ sở để thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động...
Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại hôm nay sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động tại phiên họp thường kỳ sắp tới.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sớm tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh về an toàn vệ sinh lao động tổ chức đối thoại ở địa phương, để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng 1 Nghị định về chính sách bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt trong ngành nông nghiệp; Hội Nông dân Việt Nam ban hành nhiều hướng dẫn, tổ chức tập huấn về cải thiện điều kiện lao động cho nông dân; các bộ, ngành khác đều đồng loạt triển khai các nội dung nhằm thúc đẩy công tác an toàn, vệ sinh lao động…
Qua đó sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động.