March 03, 2014 | 07:17 GMT+7

Can thiệp Ukraine, Nga sẽ thiệt hại gì về kinh tế?

Diệp Vũ

Vấn đề có thể khiến Nga đắn đo khi lựa chọn nên tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine hay không là ràng buộc năng lượng với châu Âu

Rủi ro kinh tế đầu tiên mà Nga có thể phải hứng chịu là đồng Rúp vốn dĩ đang yếu có thể mất giá mạnh thêm - Ảnh: Reuters.<br>
Rủi ro kinh tế đầu tiên mà Nga có thể phải hứng chịu là đồng Rúp vốn dĩ đang yếu có thể mất giá mạnh thêm - Ảnh: Reuters.<br>
Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, nước Nga có thể chịu thiệt hại lớn về mặt kinh tế nếu “phớt lờ” những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về kiềm chế can thiệp quân sự vào Ukraine. Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng, những nguy cơ tổn thất kinh tế có thể vẫn chưa đủ để ngăn Nga có những hành động xa hơn.

Rủi ro kinh tế đầu tiên mà Nga có thể phải hứng chịu là đồng Rúp vốn dĩ đang yếu có thể mất giá mạnh thêm. Bên cạnh đó, trong trường hợp Nga có những động thái tiến xa hơn, nước này có thể đối mặt với khả năng bị tẩy chay hội nghị nhóm G-8 dự kiến diễn ra ở Sochi trong mùa hè này, cũng như nguy cơ bị đóng băng tài sản và chịu các lệnh trừng phạt kinh tế.

“Nước Nga có thể nói rằng họ có sức mạnh, nhưng việc thể hiện sức mạnh đó sẽ chỉ khiến họ thiệt hại lớn, cả trên trường quốc tế và về mặt kinh tế”, chuyên gia Lilit Gevorgyan thuộc hãng nghiên cứu IHS Global Insight phát biểu. “Có rất nhiều lợi ích của Nga bị đặt vào thế rủi ro ở đây”.

Cho đến hiện tại, Nga vẫn bỏ qua những lời kêu gọi của phương Tây về kiềm chế có hành động quân sự xa hơn ở Ukraine.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình ở Ukraine, lãnh đạo nước này cho rằng, Nga đã “công bố chiến tranh”. “Đây không phải là một lời đe dọa. Đây thực sự là lời công bố chiến tranh đối với đất nước chúng tôi”, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk phát biểu bằng tiếng Anh được hãng tin Reuters trích dẫn.

Hôm thứ Bảy vừa rồi, Quốc hội Nga đã cho phép Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine. Theo hãng tin CNN, đến ngày Chủ Nhật, các tướng lĩnh Nga đã dẫn quân tới 3 căn cứ ở Crimea, yêu cầu các lực lượng Ukraine ở đây đầu hàng và giao nộp vũ khí.

Một quan chức Mỹ cho biết, đến cuối ngày Chủ nhật, quân Nga đã “kiểm soát hoàn toàn Crimea”. Phía Mỹ ước tính hiện có khoảng 6.000 quân Nga thuộc các lực lượng mặt đất và hải quân hiện có mặt ở Crimea.

Cùng với đó, Nga cũng thực hiện việc cấp hộ chiếu nhanh cho những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Nếu Nga tiến xa hơn việc giành quyền kiểm soát Crimea, việc trừng phạt kinh tế đối với Nga có thể xảy ra. Một số chính trị gia của Nga nói rằng, họ đã lường trước điều tồi tệ nhất.

“Chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống họ có biện pháp chống lại chúng ta. Nhưng chúng ta phải tiếp tục con đường của mình”, ông Nikolai Ryzhkov, một thành viên Thượng viện Nga, phát biểu hôm thứ Bảy.

“Rõ ràng đang có áp lực lớn hình thành bên trong việc Nga thể hiện những chiến lược và chiến thuật cứng rắn với Ukraine và phương Tây. Nga cảm thấy mình đã bị “qua mặt” ở Kiev và không hài lòng với hành vi của Mỹ và châu Âu trong mấy tháng vừa qua”, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow Center, phát biểu.

Theo đánh giá của ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine, sự gắn bó lâu dài về mặt lịch sử giữa Nga với Ukraine - nhất là vùng Crimea, vùng đất còn là một phần của Nga cho tới năm 1954 - và quan điểm của Nga cho rằng, các nước thuộc Liên Xô cũ nên chịu ảnh hưởng lớn từ Moscow có thể khiến Nga gạt sang một bên tất cả những lo ngại về phản ứng của phương Tây.

“Nếu nhìn lại những gì Nga đã làm ở Moldova và Georgia, có vẻ như họ tính toán rằng, giữ các nước láng giềng trong thế mất cân bằng là một điều tốt”, ông Pifer nói.

Mặc dù vậy, một vấn đề có thể khiến Nga đắn đo khi lựa chọn nên tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine hay không là mối ràng buộc năng lượng với châu Âu. Khả năng xảy ra xung đột có thể làm gián đoạn hệ thống đường ống dẫn khí đốt huyết mạch của Ukraine. Đây là hệ thống được tập đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ OAO Gazprom của Nga sử dụng để chuyển năng lượng tới châu Âu.

“Trong suốt 30 năm qua, Nga đã nỗ lực thể hiện hình ảnh là một nguồn năng lượng đáng tin cậy của châu Âu. Nếu họ quyết định tiến xa hơn ở Ukraine, thì có lẽ họ không còn quan tâm tới uy tín của mình ở châu Âu, bởi chắc chắn, châu Âu sẽ phản ứng quyết liệt trong trường hợp nguồn cung khí đốt bị cắt dù chỉ tạm thời”, cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine, ông Pifer, phát biểu.

Một số quốc gia phương Tây hiện đã từ bỏ việc lên kế hoạch cho các phiên họp trong khuôn khổ cuộc họp của nhóm G-8 tại Sochi, khu nghỉ mát thuộc miền Nam nước Nga, nơi vừa diễn ra Thế vận hội mùa đông. Nếu cuộc họp này của G-8 bị tẩy chay trên diện rộng, thì điều đó sẽ xói mòn những nỗ lực của Moscow nhằm sử dụng hình ảnh của thành phố mới xây dựng này để quảng bá hình ảnh của nước Nga với tư cách một địa chỉ làm ăn hấp dẫn.

Theo chuyên gia Gevorgyan, khoản đầu tư 52 tỷ USD mà Nga đã bỏ ra để chuẩn bị Sochi cho Thế vận hội sẽ được sử dụng lần nữa cho hội nghị G-8 vào tháng 6. Nếu mọi việc không diễn ra suôn sẻ, Nga sẽ bỏ phí một cơ hội lớn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Trenin thuộc trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow Center, tất cả những rủi ro kinh tế mà Nga phải đối mặt sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu Nga mở rộng sự hiện diện quân sự ở Ukraine.

“Ở thời điểm này, Nga đã kiểm soát Crimea, và tôi không cho rằng đây là một cuộc xâm lược có trù tính. Có thể Nga đã cho rằng, nếu có sự phản kháng nhằm vào Kiev ở Crimea, điều đó có thể dẫn tới một cuộc nội chiến. Nên chắc là ông Putin xem đây như một cách để ngăn chặn xung đột”, ông Trenin phát biểu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate