UBND TP. Cần Thơ vừa có báo cáo kết quả thực hiện công tác thu hồi đất theo Nghị quyết số 56/2023 của HĐND thành phố đến tháng 6/2024.
TỶ LỆ ĐẤT THU HỒI CHỈ ĐẠT 5%
Theo nghị quyết trên, danh mục các dự án cần thu hồi đất năm 2024 và các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, gồm 42 dự án (16 dự án đăng ký mới, 22 dự án chuyển tiếp), với tổng diện tích cần thu hồi đất hơn 161 ha, trong đó có gần 81 ha đất trồng lúa.
Tính đến tháng 6/2024, các địa phương đã thực hiện thu hồi được gần 8,4 ha, đạt tỷ lệ 5,2% thuộc 08/42 dự án cần thu hồi đất.
Cụ thể, quận Ninh Kiều có 9 dự án với diện tích đất cần thu hồi gần 03 ha, nhưng quận Ninh Kiều chưa thu hồi được đất cho dự án nào; Quận Bình Thủy đang thu hồi 0,17 ha đất của 01/04 dự án cần thu hồi đất, đạt tỷ lệ 6%; Quận Cái Răng đang lập thủ tục bồi thường cho 01 dự án cần thu hồi đất; Quận Ô Môn có 05 dự án cần thu hồi đất và đang lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Quận Thốt Nốt có 01 dự án cần thu hồi đất và đang làm thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
Huyện Phong Điền đang thực hiện thu hồi 0,5 ha đất của 02/04 dự án, chiếm tỷ lệ 15,8%; Huyện Thới Lai có 4 dự án cần thu hồi đất và đang lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Huyện Cờ Đỏ có 1 dự án và đang lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Huyện Vĩnh Thạnh đang thu hồi 2,3 ha đất của 01/07 dự án, chiếm tỷ lệ gần 19%.
Tổng số dự án cần thu hồi đất trên địa bàn nhiều quận huyện là 06 dự án, với diện tích gần 129 ha, hiện đang thu hồi 04/06 dự án với diện tích đất đã thu hồi hơn 5,4 ha, đạt tỷ lệ 4,2%.
Theo UBND TP. Cần Thơ, công tác thu hồi đất cho các dự án chậm do việc xác định giá đất cụ thể theo Nghị quyết 73/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ từ phía các quận huyện chưa chủ động, đã làm ảnh hưởng đến công tác bồi thường, triển khai dự án…
Tính đến tháng 6/2024, mới chỉ có 06/42 dự án được phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, còn lại 36 dự án chưa quyết định giá đất cụ thể.
Bên cạnh đó, công tác bố trí tái định cư còn nhiều khó khăn cho các hộ dân bị ảnh hưởng do hiện nay các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành hạ tầng để bàn giao cho người dân, cũng như không đủ số lượng nền để bố trí, trong khi quỹ đất tái định cư không có.
NHIỀU DỰ ÁN NHÀ Ở CHẬM 20 NĂM
Theo Công văn số 1305/SKHĐT-KT của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND TP. Cần Thơ, tính đến hết tháng 5/2023, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 72 dự án thuộc lĩnh vực phát triển nhà ở đang triển khai.
Trong đó, Sở Xây dựng Cần Thơ theo dõi, quản lý 32 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ theo dõi, quản lý 40 dự án. Trong số này, 27 dự án cam kết sau năm 2024 mới hoàn thành, 35 dự triển khai chậm so với quyết định chủ trương đầu tư.
Các dự án có chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2018 đa số đã hết thời gian thực hiện, một số dự án đã được UBND TP. Cần Thơ gia hạn thời gian.
Một số dự án mới cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng như: Khu Đô thị mới STK An Bình tại phường An Bình, quận Ninh Kiều; Chung cư nhà ở xã hội Nam Long - Hồng Phát; Khu dân cư phường Phước Thới, khu vực Thới Thuận, phường Phước Thới, quận Ô Môn; Dự án mở rộng Khu tái định cư sau Trường dân tộc nội trú quận Ô Môn; Dự án mở rộng, phát triển đô thị mới và nâng cấp chợ Thới Lai hiện hữu (giai đoạn 2). Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng các dự án còn chậm so với quyết định chủ trương đầu tư được duyệt.
Đáng quan tâm là một số dự án đã có chủ trương đầu tư từ năm 2004, tính đến nay đã gần 20 năm nhưng tỷ lệ giải phóng mặt bằng chỉ mới đạt hơn 70%, đó là các dự án: Khu đô thị tái định cư Cửu Long, phường Long Hòa, quận Bình Thủy do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Cửu Long làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà vườn Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, do Công ty TNHH tư vấn thiết kế Địa ốc làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà vườn Cồn Khương, phường An Thới, quận Bình Thủy, do Công ty TNHH Nam Long làm chủ đầu tư. Các dự án này cũng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa đầu tư hạ tầng xã hội.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do việc thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn không được sự đồng thuận của người dân, cơ chế chính sách thay đổi, có những trường hợp phải lập lại thủ tục về giải phóng mặt bằng…