Cục Thống kê TP. Cần Thơ vừa đưa ra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, trong đó nhấn mạnh đến nội dung trên.
VỐN NGÂN SÁCH CÒN THẤP, GIẢI NGÂN THẤP
Báo cáo của Cục Thống kê TP. Cần Thơ cho biết trong tháng 8/2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 581,73 tỷ đồng, tăng trên 3 lần so cùng kỳ 2021. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 340,18 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so cùng kỳ, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 241,55 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.910,72 tỷ đồng, bằng 39,61% kế hoạch năm và tăng 31,38% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.716,06 tỷ đồng, bằng 30,47% kế hoạch năm, tăng 15,84% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.194,66 tỷ đồng, bằng 69,59% kế hoạch năm, tăng 62,73% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đến nay vẫn còn thấp. Một số công trình, dự án trọng điểm có vốn kế hoạch năm 2022 cao, nhưng chưa được khởi công đúng như kế hoạch đề ra từ đầu năm; trong khi đó, đa số các dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục ban đầu.
Cụ thể như dự án đường Vành đai phía Tây có kế hoạch vốn năm 2022 là 1.368 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa được khởi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn đang chuẩn bị hồ sơ hoàn tất các thủ tục ban đầu.
Dự án đường Vành đai phía Tây nối liền quốc lộ 91 và quốc lộ 61C, do Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.837,7 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A, loại dự án công trình đô thị.
Hiện các địa phương có dự án đi qua đã hoàn tất việc cắm mốc lộ giới và đang hoàn tất việc lập danh sách các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng để có phương án bồi hoàn và bố trí tái định cư. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 6/2022, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai.
Dự án xây dựng cầu Tây Đô có tổng mức đầu tư 208 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ chủ đầu tư, có chiều dài trên 140 m, gồm 2 nguyên đơn, 4 làn xe. Kế hoạch giao vốn năm 2022 là 30 tỷ đồng, dự án. Được khởi công xây dựng vào cuối tháng 01/2022, đến nay công trình hoàn thành khoảng 30% tổng khối lượng công việc. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Dự án kè chống sạt lở và xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn, có tổng vốn đầu tư 315 tỷ đồng. Sau hơn hai năm thi công, đến nay công trình đạt khoảng 70% khối lượng và đã hai lần điều chỉnh thời gian hoàn thành…
Về công tác giải ngân, báo cáo cho biết do nguồn vốn ngân sách khá thấp nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến vốn đối ứng thực hiện từ đơn vị thi công. Tính đến ngày 15/8/2022, Cần Thơ đã giải ngân được 2.308,12 tỷ đồng, đạt 27,2% kế hoạch năm; trong đó ngân sách địa phương 2.139 tỷ đồng, đạt 29,1%.
CPI GIẢM, NHƯNG DO GIÁ NGUYÊN VẬT LIỆU
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 của TP. Cần Thơ giảm 0,29% so với tháng trước; tăng 0,94% so với kỳ năm 2021 và tăng 2,02% so với tháng 12/2021. Tính bình quân 8 tháng đầu năm 2022. CPI tăng 2,8% so với bình quân cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có 6 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá so với tháng 7. Bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,20%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; giáo dục tăng 3,61%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%.
Có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá giảm. Đó là: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,33%; giao thông giảm 6,74%; bưu chính viễn thông giảm 0,31%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,06%. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá không thay đổi so với tháng trước.
Giải thích nguyên nhân CPI tăng, giảm nêu trên, Cục Thống kê Cần Thơ cho rằng do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng theo giá nhiên liệu tăng, nhưng lại không giảm khi giá xăng dầu đã giảm.
Cụ thể, ngành chế biến thực phẩm thiết yếu (ngành chủ yếu của Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) hiện đang gặp nhiều khó khăn không chỉ đầu vào mà cả đầu ra khi nhiều nguyên liệu đầu vào chưa giảm theo giá xăng.
Đặc thù của ngành thực phẩm là trong cơ cấu giá thành, hơn 50% là giá nguyên vật liệu, khoảng 30% là chi phí nhân công, và xăng dầu chỉ chiếm chừng 10%. Vì vậy, dù giá xăng dầu giảm liên tiếp vừa qua nhưng nguyên vật liệu đầu vào chưa giảm tương ứng gây áp lực rất lớn đến giá thành hàng hóa. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, vì thế vẫn duy trì giá tăng nhẹ so với tháng trước.
Có một điểm đáng lưu ý, đó là trong thu hút đầu tư FDI, TP. Cần Thơ chưa có dự án mới trong tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, thành phố này cấp mới một dự án FDI với vốn đăng ký 1,26 triệu USD; chấm dứt hoạt động hai dự án với tổng vốn đăng ký 0,505 triệu USD. Hiện tại, địa phương có 84 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.055 triệu USD, vốn thực hiện chiếm hơn 25% trên tổng vốn đăng ký.
Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng.
Ngày 11/01/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ với 463/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 92,79%.
Theo nghị quyết này, TP. Cần Thơ được phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ…