Theo bảng xếp hạng chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2008 mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) vừa công bố, Việt Nam đứng ở vị trí 121 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, cải thiện được hai bậc so với năm ngoái.
Để cải thiện tình hình, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành xây dựng dự thảo chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Bên lề một hội thảo quốc tế bàn về vấn đề này được tổ chức sáng 25/9, VnEconomy đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Liên, Cố vấn về Thể chế của Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID), đại diện nhà tài trợ, để có thêm một góc nhìn về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Bà đánh giá thể nào về tình hình tham nhũng tại Việt Nam?
Tôi xin không đưa quan điểm của cá nhân mà lấy dẫn chứng từ kết quả một cuộc điều tra của Đảng vào năm 2006. Tổng hợp ý kiến về nhận thức của người dân đối với vấn đề tham nhũng, cuộc điều tra đã đưa ra nhận định tình hình tham nhũng tại Việt Nam là phổ biến và tương đối nghiêm trọng.
Điều tra cũng chỉ ra được một số ngành có tham nhũng cao, đó là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, thuế, hải quan…
Có phải vì thu nhập của người Việt Nam thấp nên vấn đề mới nghiêm trọng như bà nói?
Tham nhũng cũng có nhiều nguyên nhân và một trong những lý do mà nhiều nghiên cứu đã xác định đó là lương thấp. Vì không đủ tiền để sống nên người ta nghĩ đến cách khác và cách đó dẫn người ta đến tham nhũng.
Tuy nhiên không phải tất cả những người lương thấp đều tham nhũng. Có những người lương cao cũng vẫn tham nhũng thì đó là đạo đức nghề nghiệp kém.
Hoặc nguyên nhân có thể là có kẽ hở trong quản lý, để người có cơ hội tham nhũng lạm dụng chẳng hạn.
Luật Phòng, chống tham nhũng đã được thi hành hơn hai năm. Theo bà, vấn đề có được cải thiện?
Tình hình là tương đối nghiêm trọng nên vừa rồi Đảng và Chính phủ mới đưa ra một loạt quyết sách để cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, sau hai năm triển khai Luật phòng, chống tham nhũng, đến nay vẫn chưa có báo cáo đánh giá nào để đo lường kết quả thực hiện luật tại các cơ quan, đoàn thể.
Vì thế, theo quan điểm của tôi, chúng ta cần cập nhật các khảo sát, đánh giá điều tra về nhận thức, đồng thời phải có những đánh giá độc lập khác để xem tình hình có được cải thiện gì không.
Vừa rồi, các chuyên gia nước ngoài có đưa ra sáng kiến trong đó tập trung vào vấn đề minh bạch hóa thông tin, chính sách để chống tham nhũng. Bà đánh giá thế nào về các sáng kiến này?
Minh bạch là một biện pháp để phòng ngừa tham nhũng. Nếu tất cả thông tin đều được công khai cho mọi người biết thì người dân liên quan trực tiếp đến vấn đề đó sẽ nhận ra nơi nào, chỗ nào có vấn đề về tham nhũng.
Ví dụ như ngân sách của một tỉnh dành cho giáo dục được công khai ra, nếu trong trường hợp chất lượng giáo dục ở đó kém, xây dựng trường sở không có mấy, học sinh không có sách vở đi học… thì người ta sẽ đặt câu hỏi tại sao chi phí như thế, ngân sách như thế mà kết quả lại như vậy…
Vừa rồi nước Anh đã đưa ra sáng kiến minh bạch trong lĩnh vực xây dựng và được Ngân hàng Thế giới và DFID hỗ trợ Việt Nam để thí điểm.
Ý tưởng của nó là thứ nhất người ta thu thập thông tin có sẵn liên quan đến lĩnh vực xây dựng, những dự án quan trọng cần phải thông tin rộng rãi… Bước tiếp theo là xây dựng cơ chế để công khai thông tin trên website, trên báo chí…
Với nhóm nhiều đối tượng có lợi ích tham gia giám sát sẽ biết được ngân sách dành cho dự án là bao nhiêu, công ty nào trúng thầu… Tóm lại, càng nhiều thông tin thì càng ngăn ngừa tham nhũng, thay vì làm gì không ai biết.
Nhưng sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời thì gần đây thông tin cũng đã minh bạch hơn…
Luật cũng có nhiều điều quy định, cụ thể trong lĩnh vực tài chính cần làm gì, đấu thầu cần làm gì, xây dựng thì làm gì, giáo dục, y tế làm gì... nhưng chưa có cơ quan nào đánh giá đơn vị nào đã làm, làm đến đâu rồi…
Trang web của Bộ Tài chính có báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm chẳng hạn. Bộ Tài chính như vậy là đã công khai được một bước, vì trước kia báo cáo loại này chỉ được công bố ở hai cơ quan là Chính phủ và Quốc hội, không ai được biết con số như thế nào. Nay ai cũng có thể vào xem ngân sách chi bao nhiêu cho y tế, bao nhiêu cho giáo dục…
Tuy nhiên, báo cáo như vậy vẫn chưa được chi tiết, con số tổng nhiều khi không giúp được gì nhiều. Hơn nữa mới chỉ công khai con số của quốc gia mà chưa công khai con số chi tiết của địa phương, chi tiêu cụ thể từng lĩnh vực như thế nào, thu thuế như thế nào…
Nhiều chuyên gia góp ý việc xây dựng văn bản luật cần giảm thiểu tác động của những người thực thi pháp luật. Theo bà, các luật của chúng ta có làm được việc này?
Tôi cho rằng hiện chúng ta chưa tập trung nhiều lắm vào vấn đề này.
Mới đây, USAID cũng có một đề xuất là trong quá trình ban hành văn bản pháp luật phải xem xét có tạo ra kẽ hở, tạo điều kiện cho tham nhũng hay không. Ví dụ như có tạo ra quá nhiều sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và đối tượng nộp thuế hay không chẳng hạn, để người ta tận dụng cơ hội đó.
Tổ chức cơ quan đầu mối liên quan đến phòng, chống tham nhũng rất nhiều như Thanh tra Chính phủ, các ban chỉ đạo trung ương và địa phương, các cơ quan công tố chuyên trách… Bà đánh giá hiệu quả các công cụ đó như thế nào?
Tôi nghĩ là nhiều cơ quan cũng có hạn chế của nó vì không có đầu mối tập trung, chỉ đạo xuyên suốt. Phối hợp giữa các cơ quan vì vậy cũng khó mà đồng bộ. Tôi cho rằng hệ thống các cơ quan phòng chống tham nhũng như hiện nay là hơi tản mát.
Việc các cơ quan này yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng lên, vừa mất thời gian, vừa khó có hiệu quả, nhiều khi mang tính hình thức.
Báo chí cũng là một kênh thông tin hiệu quả trong phòng chống tham nhũng. Trong việc này, rất cần có sự tham gia của nhiều con mắt.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate