February 24, 2022 | 17:00 GMT+7

Căng thẳng leo thang ở Ukraine khiến chuỗi cung ứng gánh hậu quả

Hoài Thu -

“Ukraine được xem là ‘giỏ bánh mỳ của châu Âu’ và một cuộc tấn công vào đây sẽ khiến chuỗi cung ứng lương thực gánh hậu quả nặng nề"...

Thu hoạch lúa mì vụ hè tại Chernihiv, Ukraine tháng 8/2017 - Ảnh: Bloomberg/Getty Images
Thu hoạch lúa mì vụ hè tại Chernihiv, Ukraine tháng 8/2017 - Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang với diễn biến gần nhất là Tổng thống Nga Putin ngày 24/2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực miền Đông của Ukraine. Động thái này đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Giá dầu Brent hôm nay đã lần đầu tiên vượt mốc 100 USD kể từ năm 2014, còn giá dầu WTI cũng tăng mạnh lên gần 97 USD.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của CNBC, năng lượng không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng. Nga và Ukraine cũng là hai nhà cung cấp lớn về kim loại và nhiều loại lương thực. Từ các lương thực như lúa mì, lúa mạch cho tới kim loại như: đồng, niken, chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn biến xấu.

“Ukraine được xem là ‘giỏ bánh mỳ của châu Âu’ và một cuộc tấn công vào đây sẽ khiến chuỗi cung ứng lương thực gánh hậu quả nặng nề", Alan Holland – người sáng lập, CEO của Keelvar, một công ty về giải pháp công nghệ tìm nguồn cung ứng, nhận xét.

Quyết định mở chiến dịch quân sự vào miền Đông Ukraine của ông Putin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Moscow bất ngờ công nhận độc lập của hai vùng ly khai tự xưng nước cộng hoà Donetsk và Luhansk. Ngày 23/2, Quốc hội Ukraine đã thông qua việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày trên toàn lãnh thổ Ukraine, trừ khu vực ly khai Donetsk và Lugansk - nơi các biện pháp này đã có hiệu lực từ năm 2014.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày hôm nay đã tuyên bố áp dụng thiết quân luật trên toàn quốc sau thông tin về chiến dịch triển khai quân của ông Putin.

Cùng với những xung đột quân sự Nga - Ukraine, Chính phủ Mỹ cũng như nhiều nước phương Tây đã tuyên bố áp lệnh trừng phạt đối với Nga, làm tăng nguy cơ gián đoạn hay thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng tại châu Âu cũng như  nhiều quốc gia có liên quan.

AN NINH LƯƠNG THỰC

Ukraine là quốc gia sản xuất lúa mỳ, lúa mạch và lúa mạch đen mà phần lớn các nước châu Âu phụ thuộc. Đây cũng là nước sản xuất ngô hàng đầu khu vực.

“Kể cả khi vẫn còn vài tháng nữa mới tới mùa thu hoạch, một cuộc xung đột kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu bánh mì và làm tăng giá cả hàng hóa vào mùa thu tới”, ông Holland nhận định.

Trên thực tế, không chỉ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) mới bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia tại Trung Đông và châu Phi cũng phụ thuộc vào lúa mỳ và ngô từ Ukraine.

Căng thẳng Nga - Ukraine đe dọa an ninh lương thực tại châu Âu, cũng như khu vực châu Phi và Trung Đông - Ảnh: Getty Images
Căng thẳng Nga - Ukraine đe dọa an ninh lương thực tại châu Âu, cũng như khu vực châu Phi và Trung Đông - Ảnh: Getty Images

“Gián đoạn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại các khu vực này”, Dawn Tiura, Chủ tịch Hiệp hội về Nguồn cung ứng Toàn cầu (SIG), nói và cho biết thêm “Trung Quốc cũng là một nước nhập khẩu lớn với mặt hàng ngô của Ukraine. Trên thực tế, Ukraine đã thay thế Mỹ là nước cung cấp ngô hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2021”.

Giá lúa mỳ và ngô đã đồng loạt tăng mạnh. Giá hợp đồng tương lai lúa mỳ trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng khoảng 12% từ đầu năm đến nay, trong khi giá hợp đồng tương lai ngô tăng 14,5%.

Trong khi đó, lạm phát đang bắt đầu tăng cao sau khi chính phủ các nước tung ra một loạt chương trình kích thích kinh tế để ứng phó với đại dịch Covid-19 hai năm qua. Các nhà phân tích nhận định giá cả thực phẩm có thể tiếp tục tăng cao khi xung đột có vũ trang nổ ra.

“Giá thực phẩm đang leo thang và sẽ chỉ thêm tồi tệ khi hứng chịu một cú sốc, đặc biệt là nếu như các khu vực nông nghiệp quan trọng của Ukraine bị chiếm giữ bởi những người ủng hộ Nga”, Per Hong, đối tác cấp cao tại hãng tư vấn Kearney, nhận định.

Theo ông Hong, Nga hiện là nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới. Cùng với Ukraine, hai nước này hiện chiếm gần 29% thị trường xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu.

Hơn nữa, sự gián đoạn với nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng như phân bón. Điều này càng tác động hơn nữa tới lĩnh vực nông nghiệp khi mà nguồn cung phân bón đã thiếu hụt trong năm ngoái và đẩy giá tăng cao, theo nhận định của ông Holland.

Năm 2021, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu lớn nhất của EU.

KIM LOẠI VÀ NGUYÊN LIỆU THÔ

Theo ông Tiura, những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Ukraine đã dần tăng lên và nước này hiện là một “nhà cung cấp lớn” đối với các nguyên liệu thô, hóa phẩm và thậm chí cả máy móc như thiết bị giao thông. Ngoài ra, Ukraine cũng xuất khẩu nhiều khoáng chất và hàng hóa khác.

“Đồng nội tệ của Ukraine đã bắt đầu sụt giá kể từ khi quân đội Nga bắt đầu tập trung lực lượng ở biên giới nước này. Điều này sẽ làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu của họ”, ông Tiura phát biểu.

Trong khi đó, Nga hiện nắm giữ khoảng 10% trữ lượng đồng toàn cầu và là nhà sản xuất niken và bạch kim lớn. Niken là nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng trong pin xe điện, còn đồng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất điện tử và xây dựng nhà cửa.

“Ngành công nghiệp chip Mỹ phụ thuộc lớn vào neon nhập khẩu từ Ukraine. Còn Nga cũng xuất khẩu nhiều nguyên tố hóa học quan trọng với hoạt động sản xuất bán dẫn, động cơ máy bay, ô tô và dược phẩm”, ông Hong của hãng tư vấn Kearney cho biết.

TÁC ĐỘNG TỚI ĐỨC

Cuộc khủng hoảng leo thang tại Ukraine tác động tới hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, và Đức được cho là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo ông Atul Vashistha, Chủ tịch kiêm CEO hãng tình báo rủi ro chuỗi cung ứng Supply Wisdom, phần lớn khí đốt phục vụ nhu cầu điện năng và sản xuất tại Đức được nhập từ Nga.

“Nếu căng thẳng tiếp tục nóng lên, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự gián đoạn ngày một lớn do một cuộc chiến tranh tiềm tàng hoặc các lệnh trừng phạt. Và việc này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại Đức. Các nhà máy có thể sẽ phải cắt giảm sản xuất và chuyển hoạt động sang các quốc gia khác”, ông Vashistha nhận xét.

Đường ống Nord Stream -  Ảnh: Reuters.
Đường ống Nord Stream -  Ảnh: Reuters.

Trước đó, ngày 22/2, Đức tuyên bố tạm dừng quy trình phê chuẩn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 – dự án được xây dựng nhằm dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang châu Âu. Đây được xem như sự trừng phạt nhằm vào Moscow sau khi Tổng thống Putin công nhận độc lập và đưa lực lượng tới hai vùng ly khai ở Ukraine.

Dự án Nord Stream 2, trị giá 11 tỷ USD, được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức. Dự án này được hoàn tất vào năm ngoái nhưng chưa thể chính thức đi vào hoạt động do chưa được cơ quan chức năng Đức phê chuẩn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate