November 28, 2020 | 12:28 GMT+7

Căng thẳng leo thang, Trung Quốc mạnh tay áp thuế lên rượu vang Australia

An Huy

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia lâm bế tắc từ năm 2018, khi Canberra cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G tại Australia

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc mạnh tay áp thuế chống bán phá giá lên rượu vang Australia từ cuối tuần này - một sự tiếp nối các biện pháp trả đũa bằng thương mại và đẩy căng thẳng trong quan hệ song phương lên một mức cao hơn.

Theo tin từ Bloomberg, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố thuế chống bán phá giá của nước này áp lên rượu vang nhập khẩu từ Australia dao động từ 107,1-212,1%, có hiệu lực từ ngày 28/11. Phản ứng trước động thái của Bắc Kinh, Australia ra một tuyên bố nói rằng việc này sẽ khiến các công ty và các quốc gia trên thế giới có ấn tượng rằng thương mại với Trung Quốc chứa đầy rủi ro.

Thuế trên được Trung Quốc đưa ra chỉ 3 tháng sau khi nước này tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào rượu vang Australia và một loạt biện pháp đã triển khai trong năm nay nhằm vào nhiều mặt hàng khác của Australia từ than tới đồng và lúa mạch. Trung Quốc là nước nhập khẩu rượu vang Australia nhiều nhất thế giới, với giá trị nhập đạt 880 triệu USD trong vòng 1 năm tính đến hết tháng 9 năm nay, theo dữ liệu của Wine Australia - một tổ chức thuộc Chính phủ Australia chuyên về xúc tiến thương mại rượu vang.

Mức nhập khẩu này lớn hơn 167% so với giá trị xuất khẩu rượu vang Australia sang thị trường lớn thứ nhì là Mỹ.

Trung Quốc một lần nữa nói rằng nước này "thực hiện các biện pháp đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật".

"Một số người ở Australia vẫn giữ tinh thần chiến tranh lạnh và thiên kiến ý thức hệ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. "Họ xem sự phát triển của Trung Quốc là một nguy cơ và có hàng loạt hành động và lời nói sai lầm. Đó là lý do vì sao mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đi xuống nhanh chóng và hiện đang mắc kẹt trong một tình thế khó khăn".

Australia cho biết sẽ đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) can thiệp. Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Simon Birmingham nói thuế quan mà Trung Quốc vừa áp lên rượu vang Australia là "hoàn toàn không không bằng, vô căn cứ, và phi lý". Ông Birmingham cũng nói rằng các doanh nghiệp và quốc gia khác sẽ nhận thấy "nguy cơ mà hoạt động thương mại và kinh doanh của họ cũng có thể bị gây gián đoạn bởi những hành động vô căn cứ, phi lý như vậy" của Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia lâm bế tắc từ năm 2018, khi Canberra cấm tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G tại Australia. Tình hình trở nên xấu hơn sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi mở một cuộc điều tra nhằm vào nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Trung Quốc nổi giận sau lời kêu gọi này của ông Morrison và gọi Australia là "con rối" của Mỹ.

"Động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh quyết tâm dạy cho Australia một bài học gây tiếng vang toàn cầu", ông John Blaxland, một cựu sỹ quan tình báo hiện là giáo sư an ninh quốc tế thuộc Đại học Australia, nhận định. "Điều quan trọng là Australia không lùi bước trước sức ép này, nhưng sự việc cũng cho thấy tầm quan trọng của việc doanh nghiệp Australia phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu".

Tuần này, Thủ tướng Morrison đã có một vài nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Ông có một bài phát biểu đánh giá cao nỗ lực giảm nghèo của Trung Quốc, và nói rằng Australia muốn có một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đã ghi nhận những "phát biểu tích cực" từ phía Australia.

Thuế chống bán phá giá mà Trung Quốc đưa ra với rượu vang Australia áp dụng với rượu đựng trong vật chứa có thể tích lớn nhất là 2 lít. Các nhà xuất khẩu rượu vang Australia hoàn toàn có thể "lách" thuế này bằng cách vận chuyển rượu trong thùng chứa lớn tới Trung Quốc rồi đóng chai tại chỗ.

Australia là nền kinh tế phát triển có mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc cao nhất thế giới. Mâu thuẫn với Trung Quốc lại xảy ra đúng vào lúc kinh tế Australia rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong khoảng 30 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Rượu vang Australia rơi vào tình trạng ế ẩm kể từ khi bị Trung Quốc tuyên bố điều tra thương mại. Ngoài ra, hơn 50 tàu chở than Australia, mang theo số than trị giá ít nhất 500 triệu USD, đang bị kẹt tại các cảng biển ở Trung Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate