Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/2), khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine cùng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nhà đầu tư lo lắng. Giá dầu lập đỉnh cao mới của 7 năm vì nỗi lo gián đoạn nguồn cung nếu Moscow có hành động quân sự với quốc gia láng giềng.
Các chỉ số biến động mạnh trong suốt phiên giao dịch và chốt phiên trong sắc đỏ.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 171,89 điểm, tương đương giảm 0,5%, còn 34.566,17 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số giảm tới hơn 400 điểm.
S&P 500 có lúc giảm 1,2% và kết thúc phiên với mức giảm 0,4%, còn 4.401,67 điểm. Nasdaq có thời điểm giảm 0,9% và hồi về ngưỡng gần như đi ngang khi đóng cửa, với 13.790,92 điểm.
Trong những diễn biến khác cho thấy tâm trạng lo lắng của nhà đầu tư về rủi ro địa chính trị, giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm và giá vàng giao sau đạt đỉnh của 3 tháng.
Có một loạt dấu hiệu cho thấy xung đột Nga-Ukraine leo thang. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ra lệnh đóng cửa đại sứ quán nước này tại Kyiv, thủ đô của Ukraine, với lý do “sự gia tăng mạnh mẽ của lực lượng Nga” tập trung ở biên giới Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông nghe được rằng ngày thứ Tư tuần này có thể sẽ là ngay Nga tấn công.
“Nhà đầu tư đang bất an vì căng thẳng địa chính trị gia tăng và giá dầu đang tiến về mốc 100 USD/thùng. Nhưng sau phiên giảm mạnh vào thứ Sáu, thì diễn biến thị trường của phiên này đã là một điều đáng mừng rồi”, chiến lược gia Ryan Detrick của LPL Financial phát biểu.
Bên cạnh mối lo về địa chính trị, khả năng Fed nâng lãi suất nhiều lần liên tiếp trong năm nay cũng tiếp tục phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, nói rằng ngân hàng trung ương này cần quyết liệt trong cuộc chiến chống lạm phát. Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 1982, khiến một số tổ chức dự báo như ngân hàng Citigroup và Goldman Sachs nâng dự báo số lần nâng lãi suất của Fed trong năm nay lên 7 lần.
“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi cần đẩy nhanh việc rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng, nhanh hơn so với dự kiến lúc đầu. Chúng tôi đang bị bất ngờ vì sức ép lạm phát cao”, ông Bullard nói. “Uy tín của Fed đang bị đe doạ, và Fed thực sự cần phải phản ứng với các dữ liệu. Nhưng tôi cho rằng chúng tôi có thể làm việc đó một cách có tổ chức và không gây xáo trộn trên thị trường”.
“Đúng là Fed sắp nâng lãi suất, lạm phát đang ngoài tầm kiểm soát, và căng thẳng địa chính trị cao. Nhưng đừng quên rằng chúng ta đang chuẩn bị khép lại một mùa báo cáo tài chính rất tốt nữa”, ông nói. “Đang có nhiều mối lo trên thị trường, nhưng mùa báo cáo tài chính khả quan, cùng sự lạc quan tương đối của các công ty về tương lai của nền kinh tế, là những yếu tố có thể mang lại cho nhà đầu tư hy vọng”.
Đến hiện tại, đã có khoảng 70% doanh nghiệp trong S&P 500 công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021, trong đó 77% đưa ra kết quả vượt dự báo – theo dữ liệu từ FactSet. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của các công ty này tăng khoảng 30%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,04 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 96,48 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 96,78 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,36 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 95,46 US/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 95,82 USD/thùng, cao nhất từ tháng 9/2014.
“Thị trường vẫn đang cực kỳ nhạy cảm với các diễn biến về Nga-Ukraine”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận định. “Tình hình đang căng thẳng ở một cấp độ rất cao. Quan điểm của thị trường lúc này là cứ mua đã, tính sau”.
Nga là một trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, với công suất sản lượng đạt khoảng 11,2 triệu thùng ngày – nhà phân tích cấp cao Nishant Bhushan của Rystad Energy nhấn mạnh.
“Bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung dầu nào từ Nga cũng có thể đẩy giá dầu Brent và WTI tăng vọt qua ngưỡng 100 USD/thùng, trên một thị trường vốn đang gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu gia tăng của các nền kinh tế đang phục hồi từ đại dịch”, ôn Bhushan phát biểu.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, đang thực thi kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, trước mắt đến tháng 3. Cam kết là vậy nhưng OPEC+ đang đối mặt với công suất dự trữ có hạn và không thể nâng sản lượng với tốc độ như đã hứa.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lên tiếng kêu gọi OPEC+ rút ngắn khoảng cách giữa cam kết và hành động. IEA nói rằng khoảng cách giữa mức sản lượng mục tiêu và sản lượng thực tế của OPEC+ đang ngày càng lớn.
Ngoài ra, thị trường cũng đang dõi theo cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran. Cuộc đàm phán này đang có nhiều dấu hiệu tích cực, và nếu có một thoả thuận, nguồn cung dầu tư Iran có thể tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày, giúp giải toả bớt sức ép thiếu cung dầu hiện nay trên thị trường toàn cầu.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin duy trì xu thế tăng nhẹ. Lúc hơn 7h sáng nay (15/2), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 42.574 USD, tăng hơn 1% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.