Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hoàn tất tuần giảm thứ hai liên tiếp, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục khiến nhà đầu tư lo sợ. Giá dầu giằng co giữa một bên là cuộc xung đột này, một bên là khả năng Mỹ-Iran sớm đạt một thoả thuận hạt nhân.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 232,85 điểm, tương đương giảm 0,7%, còn 34.079,18 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,7%, còn 4.348,87 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,2%, còn 13.548,07 điểm.
Cả ba chỉ số cùng giảm hơn 1% trong tuần này. Căng thẳng tiếp diễn ở biên giới giữa Nga và Ukraine tiếp tục chi phối việc mua, bán cổ phiếu ở Phố Wall. Vào giữa ngày, tờ Wall Street Journal nói rằng giới chức Mỹ nói Nga hiện đang tập trung khoảng 150.000 quân gần Ukraine và dự báo Nga sẽ mở một cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng chỉ trong vài ngày tới đây. Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ đưa thêm lực lượng của Mỹ tới gần Ukraine.
Phát biểu trước Liên hiệp quốc vào hôm thứ Năm, đại sứ Mỹ tại tổ chức này là ông Antony Blinken cảnh báo rằng tình hình ở biên giới Nga-Ukraine đang ở vào một “thời điểm nguy hiểm”.
“Nhà đầu tư đang cảm thấy khó khăn trong việc nắm giữ các tài sản rủi ro, bởi có khả năng cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga rốt cục sẽ dẫn đến xung đột trên thực địa. Phố Wall sẽ còn hoảng sợ cho tới khi chúng ta chứng kiến một sự xuống thang quan trọng”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định trong một báo cáo hôm thứ Sáu.
Ngoài mối lo về Nga-Ukraine, phủ bóng lên thị trường còn là vấn đề chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, cảnh báo lạm phát sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát nếu lãi suất không được nâng lên. Ông Bullard vốn là một nhân vật thuộc phái cứng rắn trong Fed và thời gian qua, ông đã kêu gọi ngân hàng trung ương này cần hành động quyết liệt để chặn đà leo thang của giá cả.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams ngày thứ Sáu nói ông không nhận thấy có lý do thuyết phục nào để Fed phải mạnh tay ngay khi bắt đầu tăng lãi suất, nhưng Fed sau đó có thể quyết định đẩy mạnh việc thắt chặt.
“Cho dù đó là rủi ro địa chính trị, vấn đề thị trường lao động, hay chuyện gián đoạn nguồn cung. Nhìn vào đâu bạn cũng sẽ thấy tất cả mọi thứ đều chỉ báo một điều rằng lạm phát sẽ là vấn đề trung tâm và hàng đầu”, CEO Rich Bernstein của công ty tư vấn Richard Bernstein Advisors nói với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô chốt phiên ngày thứ Sáu trong trạng thái giằng co, khi nhà đầu tư vừa lo căng thẳng Nga-Ukraine có thể gây gián đoạn nguồn cung năng lượng, vừa phấp phỏng đợi một thoả thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,57 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, còn 93,54 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,69 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 91,07 USD/thùng.
Vào hôm thứ Hai, giá của cả hai loại dầu cùng đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 do căng thẳng Nga-Ukraine. Tuy nhiên, khả năng Mỹ-Iran đạt thoả thuận, mở đường cho Iran xuất khẩu dầu trở lại, đã gây áp lực giảm sau đó lên giá vàng trong tuần.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,9%, đánh dấu tuần tăng thứ 9 liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 1,7%, cắt đứt chuỗi 8 tuần tăng.
Giá tiền ảo tuần này cũng chịu áp lực giảm từ xu thế bán tháo tài sản rủi ro trên thị trường tài chính Mỹ. Từ ngưỡng 44.500 USD vào đầu tuần, giá Bitcoin đã giảm về ngưỡng 40.000 USD.
Lúc hơn 7h sáng nay (19/2), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 40.184 USD, giảm 1,1% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.
Ngày thứ Hai tuần tới, thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Tổng thống (Presidents Day).