November 30, 2021 | 12:32 GMT+7

Căng thẳng với Mỹ, chiến lược "Zero Covid" và loạt áp lực với kinh tế Trung Quốc năm 2022

Hoài Thu -

Theo các nhà phân tích, với tăng trưởng dự báo sẽ suy giảm trong quý 4/2021, Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng sang tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, sau khi đã đưa ra hàng loạt biện pháp siết quản lý với lĩnh vực bất động sản, công nghệ, giáo dục và việc sử dụng than trong năm nay...

Quý 3/2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 7,9% của quý trước đó - Ảnh: AFP
Quý 3/2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 7,9% của quý trước đó - Ảnh: AFP

“Các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung vào việc bảo vệ mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 5% trong năm tới và tránh đưa ra những thay đổi lớn có thể làm xáo trộn tình hình hiện tại”, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, nhận định, trong một báo cáo nghiên cứu công bố hôm 19/11.

Theo ông Hu, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ chọn siết quản lý ở những lĩnh vực có ít tác động tới chính trị cũng như tăng trưởng kinh tế.

Trước mắt, kinh tế Trung Quốc đối mặt với 5 thách thức lớn, đòi hỏi Bắc Kinh phải có sự điều chỉnh hợp lý nếu không muốn tuột mất mục tiêu tăng trưởng trong năm tới, theo tờ South China Morning Post.

CHIẾN LƯỢC “ZERO COVID”

Chiến lược “Zero Covid” (không Covid) đã giúp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng tồi tệ chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, khi nhiều quốc gia bắt đầu cởi mở hơn với việc “sống chung với dịch bệnh”, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược đó và cái giá của việc này đang dần tăng lên.

Theo các nhà phân tích, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chính sách này có thể là tiêu dùng hộ gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ do các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt, phong tỏa và tâm lý tiêu dùng suy yếu.

Tiêu dùng nội địa của Trung Quốc suy yếu do chiến lược "Zero Covid" trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của chính phủ - Ảnh: AFP
Tiêu dùng nội địa của Trung Quốc suy yếu do chiến lược "Zero Covid" trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của chính phủ - Ảnh: AFP

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm tốc nhanh do nền tảng so sánh cao cũng như sự dịch chuyển từ tiêu dùng hàng hóa lâu bền sang dịch vụ tại các quốc gia lựa chọn ‘sống chung với Covid’. Nhu cầu với hàng tiêu dùng lâu bền sẽ giảm tự nhiên, đồng Nhân dân tệ mạnh lên do nhập khẩu dịch vụ hạn chế và lạm phát giá sản xuất cũng gia tăng”, báo cáo Nomura mới đây cho biết.

ÁP LỰC THẤT NGHIỆP

Theo dữ liệu từ Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NFID), tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người lao động có trình độ giáo dục ở độ tuổi 20-24 tại nước này duy trì ở mức cao trên 20% trong năm nay.

Ông Li Yang, chủ tịch NFID, cho biết thị trường lao động đang chứng kiến sự mất cân bằng nghiêm trọng khi chính phủ thúc đẩy quá trình phi carbon hóa với các ngành công nghiệp nặng, theo đó nhiều người lao động bị mất việc.

Bên cạnh đó, theo ông Li, hàng loạt biện pháp mạnh để kiểm soát lĩnh vực gia sư ngoài giờ học cũng như lĩnh vực bất động sản khiên tình trạng thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.

Theo một báo cáo của Moody’s công bố ngày 29/11, các lĩnh vực liên quan tới bất động sản chiếm khoảng 28% GDP của Trung Quốc và sử dụng 26% người lao động ở khu vực thành thị. Thua lỗ, phá sản trên thị trường này gây rủi ro cho các nhà phát triển địa ốc, chủ nợ, ngân hàng, chính quyền địa phương và cả các hộ gia đình.

KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Vừa qua, giá than cao cùng với lượng dự trữ thấp đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất tại Trung Quốc. Nhiều tỉnh đã tiến hành cắt điện luân phiên, gây ảnh hưởng tới hàng loạt nhà máy và hộ gia đình. Phản ứng trước tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy sản lượng than và tự do hóa thị trường giá điện vốn do nhà nước kiểm soát để giải tỏa áp lực tài chính cho các nhà máy điện than.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau đó cho biết Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên, điều này đồng nghĩa nước này phải theo đuổi mục tiêu “đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon” từng bước và có khoa học.

Theo Gao Shanwen, nhà kinh tế trưởng của Securities, Trung Quốc có thể sẽ còn phụ thuộc vào than nhiều năm nữa. Để đạt được các mục tiêu khí hậu, những chính sách nhằm hạn chế sản xuất than hiện tại của Bắc Kinh có thể làm tăng nguy cơ gây xáo trộn nền kinh tế bởi các nguồn năng lượng thay thế như gió, mặt trời, thủy điện tại Trung Quốc vẫn chưa ổn định.

“Trong quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng mới, Trung Quốc vẫn cần đảm bảo nguồn năng lượng truyền thống dồi dào”, ông Gao nhận định.

Theo báo cáo của Nomura, tình trạng thiếu điện tại quốc gia đông dân nhất thế giới có thể trở lại vào mùa đông khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên. Bên cạnh đó, Thế vận hội mùa đông dự kiến diễn ra từ ngày 4-20/2/2022 cũng có thể gây ra tình trạng thiếu điện, dẫn tới nhiều nhà máy phải đóng cửa.

MẤT ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG TỪ LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN

Động thái mạnh mẽ nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản và giảm áp lực nợ trong lĩnh vực này đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, với doanh thu và giá nhà nói chung giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số khu vực cũng thí điểm áp dụng thuế bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất.

Theo ông Li của NFID, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng nhà là để cho người ở chứ không phải để đầu cơ, nhưng đến nay các biện pháp của Bắc Kinh không giúp đạt được các mục tiêu của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Các biện pháp siết quản lý thị trường địa ốc khiến Trung Quốc mất động lực tăng trưởng kinh tế - Ảnh: Getty Images
Các biện pháp siết quản lý thị trường địa ốc khiến Trung Quốc mất động lực tăng trưởng kinh tế - Ảnh: Getty Images

“Đây là điều đã được nói đến suốt nhiều năm nay. Nhưng chỉ riêng thuế bất động sản thì không thể giải quyết được các vấn đề của thị trường địa ốc”, ông Li nói. “Điều cần phải làm là cải cách toàn diện thị trường, thuế, chính quyền địa phương, tài chính của chính quyền địa phương và lĩnh vực ngân hàng”.

Theo ông Li, đã đến lúc Trung Quốc phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này. Trước tiên cần duy trì sự ổn định, do đó, việc rút vốn khỏi thị trường không phải là lựa chọn khả thi bởi nếu không giải quyết các vấn đề trên thì rắc rối vẫn còn đó.

CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI VỚI MỸ

Theo các nhà phân tích, mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt cùng các chính sách công nghiệp của Trung Quốc là điểm nóng trong quan hệ thương mại của nước này với Mỹ.

 

Trong dài hạn, chúng tôi dự báo sẽ có ‘sự phân ly’ ở mức độ nào đó (giữa Mỹ và Trung Quốc) và chuỗi cung ứng cũng sẽ có sự điều chỉnh ra khỏi Trung Quốc do các cân nhắc để giảm chi phí, đa dạng hóa cũng như yếu tố an ninh, địa chính trị.

OXFORD ECONOMICS

Dù Trung Quốc đã nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thúc đẩy một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và đối thủ cạnh tranh tư nhân, giới phân tích cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể trong tương lai gần.

Oxford Economics cuối tuần trước nhận định Bắc Kinh có thể tiến tới giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng kiểm soát dòng tiền và cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực vốn bị hạn chế. Tuy nhiên, nước này sẽ vẫn duy trì mô hình kinh tế do nhà nước điều hành, bất chấP những kêu gọi từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc giảm trợ cấp cho khu vực kinh tế nhà nước.

“Trong dài hạn, chúng tôi dự báo sẽ có ‘sự phân ly’ ở mức độ nào đó (giữa Mỹ và Trung Quốc) và chuỗi cung ứng cũng sẽ có sự điều chỉnh ra khỏi Trung Quốc do các cân nhắc để giảm chi phí, đa dạng hóa cũng như yếu tố an ninh, địa chính trị. Đặc biệt, chúng tôi dự báo Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến của nước này”, báo cáo của Oxford Economics cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate