Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tại toạ đàm "Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán" ngày 29/6, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh không thể chủ quan mà nên thận trọng khi vai trò hàn thử biểu của thị trường chứng khoán với nền kinh tế đã trở nên tương đối lỏng lẻo.
Ví dụ, năm ngoái chứng khoán tăng mạnh 15% nhưng tăng trưởng GDP thấp. Mỹ tăng trưởng kinh tế âm nhưng các chỉ số như S&P 500 và Nasdaq vẫn tăng trưởng lần lượt 15,5% và 43%, thể hiện niềm tin, phấn khích của thị trường.
Bên cạnh đó, theo ông Lực, vừa qua tại Mỹ, các nhà đầu tư đã thực hiện một cuộc khảo sát và chỉ ra 4 rủi ro lớn đối với thị trường hiện tại, đây cũng là những rủi ro mà các nhà đầu tư Việt Nam cần nhận diện.
Thứ nhất, các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa như Fed đang tiếp tục mua các tài sản như trái phiếu 120 tỷ USD/tháng nhưng sẽ giảm dần còn 80 tỷ USD/tháng, 60 tỷ USD/tháng, tiến tới không mua và tăng lãi suất. Năm 2013 đã xảy ra hiện tượng này và lập tức dòng vốn đầu tư rút từ thị trường mới nổi, rủi ro quay về đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn.
Rủi ro thứ hai là lạm phát. Đây là những vấn đề mà các chuyên gia Mỹ bàn suốt thời gian gần đây vì giá cả nguyên vật liệu tăng quá nhiều. Lạm phát tăng thì lãi suất có xu hướng tăng. Trên thế giới đã có 3 ngân hàng trung ương tính đến chuyện tăng lãi suất.
Thứ ba là biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu co lại, bởi chi phí đầu vào tăng trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán.
Thứ tư là thuế. Hiện Mỹ đã tính đến chuyện tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng từ con số 15% lên 21%, điều này tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán nói chung.
Còn với Việt Nam, ngoài 4 rủi ro nêu trên thị trường chứng khoán còn đối diện 2 rủi ro nữa gồm: Thứ nhất là vấn đề nền tảng của nhà đầu tư. 90-95% nhà đầu tư Việt Nam vẫn là nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao, khi thị trường điều chỉnh, họ có thể phản ứng thái quá và đây là rủi ro.
Cuối cùng là không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp hiện nay đang "té nước theo mưa", tranh thủ đà tăng của thị trường hiện tại để "làm bóng” kết quả kinh doanh của mình nhằm mục đích phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường Mỹ có hiện tượng những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tồi tệ nhưng phát hành trái phiếu, cổ phiếu gấp đôi so với năm 2019, đây là điều phải lưu ý.
"Chúng tôi cho rằng sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh. Cơ quan quản lý nhà nước nên cảnh báo nhà đầu tư lúc này“, chuyên gia Cấn Văn Lực cảnh báo.
Ông Lực cũng lưu ý nhà đầu tư rằng các ngành nghề do chịu ảnh hưởng của đại dịch sẽ rất phân hóa, có ngành đi lên rất tốt nhưng cũng có ngành đi xuống rất nhiều. Ví dụ, ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm, giá cổ phiếu của lĩnh vực dịch vụ tài chính chứng khoán tăng 56%, Công nghệ thông tin 54,6%, ngân hàng tăng 42,8%, gia dụng 33%, bất động sản 26-27%.
Trong khi đó, giá cổ phiếu doanh nghiệp truyền thông, thực phẩm, đồ uống du lịch giải trí, bảo hiểm, điện nước, xăng dầu khí đốt… mức tăng chỉ 6-7% không đáng kể. “Như thế tăng trưởng có thể thiếu bền vững và phải lưu ý”, vị này cảnh báo.