Cụ thể, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra các trường hợp lừa đảo trong tuần qua như:
LỪA ĐẢO ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH QUA CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI
Ngày 22/2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị nhận một số tin tố giác tội phạm liên quan đến thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính trên các mạng xã hội.
Với thủ đoạn tạo hồ sơ cá nhân giả mạo trên mạng xã hội với thông tin hoành tráng, lôi kéo qua tin nhắn, quảng cáo sàn đầu tư có nguồn gốc nước ngoài, hứa hẹn lợi nhuận khủng, lãi suất cao, an toàn và linh hoạt để thu hút nạn nhân.
Để thu hút dẫn dụ, ban đầu, các đối tượng tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, đầu tư số tiền nhỏ, người đầu tư dễ dàng rút về số tiền thưởng, đó cũng chính là "mồi câu", dẫn dụ người chơi đầu tư số tiền lớn hơn và không thể rút tiền trên ứng dụng hoặc website. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người chơi phải tiếp tục đóng các khoản tiền để xác minh, lệ phí,… để rút tiền. Với tâm lý muốn lấy lại số tiền đã đóng, nên nhiều bị hại đã chuyển cho đối tượng hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Để phòng tránh tình trạng trên tái diễn, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web, ứng dụng không rõ ràng, không được cấp phép bởi Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường. Tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư để không bị dẫn dụ bởi các lời hứa hẹn không thực tế. Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
LỪA ĐẢO MUA VÉ XEM PHIM “ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO”
Ngày 20/2, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC) đã lên tiếng cảnh báo khán giả cẩn trọng, tránh bị lừa khi mua vé xem phim "Đào, Phở và Piano" qua các hội, nhóm trên mạng xã hội.
Thực tế, nhiều người dùng vì không thể mua vé tại quầy cũng như trên trang web chính thống, đã nhẹ dạ cả tin mua lại của những đối tượng “rao bán lại vé” để rồi bị chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, các sự cố quá tải khi mua vé qua các nền tảng như website, app NCC, app ngân hàng, ví điện tử VNPAY… nên họ buộc phải tìm các kênh “không chính thống” khác.
Đến ngày 23/2, hệ thống bán vé online của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã có thể truy cập và hoạt động lại bình thường. Tuy nhiên, sau sự việc sập trang web vì sự quá tải truy cập cùng với tình trạng lừa đảo bán vé trên mạng xã hội nêu trên, NCC đã đưa ra thông báo chính thức trên website, vé phim "Đào, Phở và Piano" hiện chỉ bán trực tiếp tại quầy vé và không bán online nhằm giảm thiểu tình trạng khán giả bị các bên giả mạo lừa đảo.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo khán giả không mua vé người khác bán lại trên Internet, tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Hiện tượng phe vé, bán lại vé giá cao, giả mạo trang web chính thống,... rồi chiếm đoạt đối với các sự kiện nổi tiếng ngày một trở thành vấn nạn. Người dùng nên lựa chọn những địa chỉ, website uy tín và được xác minh rõ ràng; hoặc giao dịch trực tiếp để tránh tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt.
XÂY NHÀ TRÊN MẠNG XÃ HỘI, CHIẾM ĐOẠT HƠN 2,5 TỶ ĐỒNG
Cơ quan công an vừa bắt giữ khẩn cấp đối tượng Đinh Văn Cường (trú tại thôn 4 Thượng Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức quảng cáo lừa đảo xây nhà trên mạng xã hội.
Qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam phát hiện một đối tượng liên tục sử dụng các trang mạng xã hội Facebook có tài khoản "Nhà gỗ Bảo Lâm" và "Nét đẹp Cổ truyền" chạy quảng cáo có khả năng thi công, xây dựng nhà gỗ các loại với các hình ảnh, thiết kế đa dạng, hấp dẫn... sau đó yêu cầu các chủ đầu tư có nhu cầu làm nhà gỗ chuyển tiền đặt cọc nhưng thực chất nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại cơ quan công an, trước tài liệu, chứng cứ thu thập được, Đinh Văn Cường khai nhận do làm ăn thua lỗ, nợ tiền của nhiều người nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội. Khi các bị hại tin tưởng chuyển tiền đặt cọc xây dựng nhà gỗ thì Cường hủy kết bạn, chặn toàn bộ liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Với các thủ đoạn trên, từ đầu năm 2023 đến nay, Đinh Văn Cường đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại ở các tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng.
“Người dùng cần tìm hiểu, kiểm tra và xác minh kỹ thông tin của người cung cấp, chất lượng sản phẩm trước khi giao dịch qua mạng xã hội hay bất kỳ trang web nào, tránh để các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định”, Cục An toàn thông tin cảnh báo.