September 25, 2024 | 09:42 GMT+7

Cảnh báo về một “đại dịch” tại Việt Nam do thuốc lá mới

Hoài Phương -

Theo các số liệu thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế và xã hội…

Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương hút 10 điếu thuốc một ngày.
Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương hút 10 điếu thuốc một ngày.

Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất chỉ sau Indonesia và Philippines.

CẦN PHẢI HÀNH ĐỘNG NGAY LẬP TỨC

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và dự báo đến năm 2030 sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Có tới 25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá có nguy cơ gây tử vong hàng đầu như đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân khi hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi lên tới 96,8%.

Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm. Khói thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của người hút trực tiếp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người xung quanh thông qua khói thuốc lá thụ động.  

Tỷ lệ hút thuốc lá cao gây ra các tác hại lớn về sức khỏe và kinh tế. 
Tỷ lệ hút thuốc lá cao gây ra các tác hại lớn về sức khỏe và kinh tế. 

Sáng 24/9, hội thảo InnovaConnect với chủ đề "Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới" đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của gần 500 khách mời, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Phát biểu tại sự kiện, GS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, cho biết với sự thịnh hành của các loại thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá mới) như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá lai…, Việt Nam đang đối mặt với một "đại dịch" mới, tạo ra một thế hệ nghiện nicotine mới.

Trong một nghiên cứu do GS Hoàng Văn Minh thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2023 đối với 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 thuộc 11 tỉnh, thành khác nhau ở Việt Nam, có tới 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó, 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.

Theo bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc Điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan), thuốc lá điện tử là nguy hiểm và có gây hại cho sức khỏe. "Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng có nicotine gây nghiện, có khả năng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine", bà cảnh báo.

PGS. Becky Freeman, chuyên gia từ Trường Y tế công cộng, Đại học Sydney (Úc) cho biết mạng xã hội là công cụ được các công ty, người bán thuốc lá tiếp cận để đưa sản phẩm đến với người dùng. "Trên mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy những hình ảnh hấp dẫn, thậm chí người nổi tiếng quảng bá sản phẩm và đưa ra những thông tin sai lệch về độ an toàn của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng", PGS. Becky Freeman cho biết. Các chuyên gia tại sự kiện đồng thuận rằng, cần phải hành động ngay lập tức, xây dựng và thực thi các chính sách kiểm soát chặt chẽ đối với những sản phẩm này.

Nhiều biển báo cấm thuốc lá giờ đây đã bổ sung thêm lệnh cấm đối với thuốc lá thế hệ mới.
Nhiều biển báo cấm thuốc lá giờ đây đã bổ sung thêm lệnh cấm đối với thuốc lá thế hệ mới.

40 NHÃN THUỐC LÁ CÓ GIÁ DƯỚI 10.000 ĐỒNG

Theo báo cáo Bộ Y tế, năm 2023 Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên. So với cùng kỳ 2022, số ca nhập viện tăng đáng kể.  Do đó, Tại hội thảo “Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt các mặt hàng có hại cho sức khỏe” do Bộ Y tế tổ chức, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn đang trở thành gánh nặng cho ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm.

Trong khi đó, vị đại diện Bộ Y tế cũng cho hay thuế và giá rượu, bia và thuốc lá ở Việt Nam còn ở mức thấp. Giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước châu Á Thái Bình Dương và thứ 157/161 quốc gia. Trên thị trường có 40 nhãn hàng thuốc lá sản xuất trong nước có giá dưới 10.000 đồng. Theo Nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế năm 2023, chi phí y tế do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022, trong khi tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17.600 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 của chi phí.

Vì vậy, bà Hương khẳng định thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để Việt Nam đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước. WHO và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải ở mức cao, đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng hiệu quả. Theo ước tính nếu tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và rượu bia từ 5 - 8% và đồ uống có đường từ 8 - 13%.

BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. “Ở Việt Nam có một nghịch lý, sữa cho trẻ thì quá đắt mà thuốc lá lại quá rẻ. Thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Thuốc rẻ dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận, lựa chọn. Do đó, cần tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong”, ông Lâm nói.

Tỷ lệ bệnh nhân khi hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi lên tới 96,8%.
Tỷ lệ bệnh nhân khi hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi lên tới 96,8%.

Trước quan ngại về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh, lo ngại về việc làm, lo ngại về buôn lậu, ThS Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc làm trong ngành sản xuất có tỷ lệ rất thấp và ngày càng giảm, ngay cả khi sản lượng tăng. Tương tự, việc làm trong ngành trồng thuốc lá cũng có tỷ lệ thấp và ngày càng giảm.

Cụ thể, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0,39 - 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Đối với ngành bán lẻ, thuốc lá chỉ là một trong rất nhiều mặt hàng. “Do thuốc lá là một ngành sử dụng ít lao động hơn các ngành khác nên tăng thuế có thể giảm việc làm trong ngành thuốc lá, nhưng lại làm chuyển dịch tăng việc làm ở các ngành khác sử dụng nhiều lao động hơn, làm tăng tổng việc làm của nền kinh tế,” ông Sơn nói.

Các chuyên gia từ đó cho rằng, Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp. Bên cạnh đó, thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hàng năm để chống xói mòn do lạm phát và tăng trưởng thu nhập nhằm đảm bảo sức mua thuốc lá giảm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate