Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định, đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Hiện website và fanpage của các công ty trong đường dây đã mất truy cập, song theo quảng cáo trước đó, sản phẩm của các công ty này đã có mặt rộng rãi, được phân phối qua cửa hàng bỉm sữa, hệ thống siêu thị... tại nhiều tỉnh, thành. Theo đó, một số sản phẩm sữa giả "tiêu biểu" của nhóm đối tượng trên sản xuất mà người dân cần lưu ý cảnh giác khi mua sắm:
-Cilonmum: Các loại sữa dành cho trẻ em, người tiểu đường, bà bầu… do Công ty cổ phần Dược quốc tế Group phân phối.
-Talacmum: Sữa được quảng cáo chứa Canxi, Vitamin D3, Axit Folic, do Hacofood Group sản xuất.
-Colos 24H Premium (bao gồm dòng Colos 24H Premium Kid Baby dành cho trẻ sơ sinh), do Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma sản xuất và phân phối.
-NewSure Colos 24H Kid Plus: Sản phẩm sữa cho trẻ từ 0–12 tháng tuổi.
- Baby Care Colostrum Kid: Sữa dành cho trẻ sơ sinh.
-Bold Milk: Bao gồm các dòng Bold Milk For Mum Colostrum và Bold Milk Glu Sure Colostrum.
-Sure IQ Sure Gold: Sữa dinh dưỡng dùng cho cả gia đình.
-Nance: Gồm các dòng Nance Colostrum 24H Kid và Nance Goat Pedia.

TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG
PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, Hiệp hội sữa Việt Nam đã kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả để bảo vệ người tiêu dùng và niềm tin vào ngành sữa.
Hiệp hội đã gửi công văn tới các bộ Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu tăng cường phòng chống hàng giả trong ngành sữa. Tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền, đang gia tăng và chủ yếu tiêu thụ qua các kênh trực tuyến.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết sữa kém chất lượng, sữa giả sẽ gây nguy hại cho người dùng, đặc biệt là người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, người bị bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai.
Người sử dụng sữa giả sẽ không thể cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất như bảng thành phần ghi trên vỏ hộp. Việc sử dụng sữa giả trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng các giai đoạn phát triển đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt với những trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu, phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Hơn nữa, việc dùng sữa có nguyên liệu không rõ nguồn gốc và bổ sung phụ gia không được kiểm soát dẫn tới nhiều rủi ro như dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa, về lâu dài ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em. Người sử dụng cần theo dõi phản ứng sau khi dùng, nếu thấy tiêu chảy, nôn trớ, không tăng cân hay sụt cân cần lập tức kiểm tra sức khỏe.
THÁCH THỨC LỚN TRONG CÔNG TÁC HẬU KIỂM
Theo Bộ Y tế, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý thực phẩm chức năng tương đối đầy đủ từ khâu sản xuất, đăng ký bản công bố và tự công bố, ghi nhãn, quảng cáo, kinh doanh bởi Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018 của Chính phủ, Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24.11.2014 của Bộ Y tế và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hướng dẫn Luật.

Thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm: Thực phẩm bổ sung, Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, Thực phẩm dinh dưỡng y học, Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Thực phẩm chức năng phải được đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Theo đó thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký bản công bố sản phẩm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực phẩm bổ sung tự công bố và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trong đó, đáng chú ý, nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố - nghĩa là các sản phẩm sẽ được sản xuất và lưu thông ngay khi thực hiện tự công bố và không cần có ý kiến của cơ quan quản lý. Mặc dù công tác hậu kiểm vẫn được duy trì, nhưng thực tế công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế, thậm chí là lỏng lẻo, để lọt những vụ việc gây chấn động dư luận. Vụ việc kẹo rau củ Kera là một trường hợp tiêu biểu.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân một phần do thiếu nhân lực, trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí... nhất là trong bối cảnh sản phẩm tự công bố ngày càng lớn và phong phú. Chỉ tính riêng TP.HCM có gần 200.000 sản phẩm tự công bố.
Bộ Y tế cũng cho rằng vì hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm đơn giản nên rất nhiều sản phẩm được nộp với các chỉ tiêu kiểm nghiệm, ghi nhãn sản phẩm không đạt theo quy định. Do đó, việc sản phẩm không đảm bảo an toàn này lưu thông trên thị trường là một thách thức lớn trong công tác hậu kiểm.

Bên cạnh đó, quy định "ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức/cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm" dẫn đến tình trạng khi phát hiện sản phẩm công bố không đúng quy định thì sản phẩm đã được tiêu thụ trên thị trường.
Bộ Y tế cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường thực phẩm phát triển mạnh về số lượng, chủng loại mặt hàng và phát sinh hình thức kinh doanh mới trên ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng thương mại, cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát toàn diện hơn chất lượng thực phẩm. Việc siết lại các quy định để quản lý chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm hiện nay đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ngày 15/4, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, yêu cầu: "Các địa phương rà soát số lượng sản phẩm, tên từng sản phẩm công bố, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và hoạt động thanh kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay".
Cục An toàn Thực phẩm cũng yêu cầu các địa phương tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao và gần đây phát hiện vi phạm, những sản phẩm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm nhạy cảm trong xã hội như người già, trẻ em... Đồng thời, các địa phương kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo.
Làm gì để bảo vệ gia đình khỏi sữa giả?
- Mua sữa tại cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị uy tín.
- Kiểm tra kỹ tem chống giả, mã QR, hạn sử dụng.
- Đọc kỹ các thông tin trên vỏ hộp: đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối, thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
- Không mua sữa "xách tay", "giá rẻ bất ngờ" từ các trang mạng xã hội, livestream…
- Quan sát màu, mùi và độ tan của sữa trước khi sử dụng.