September 28, 2024 | 09:20 GMT+7

Cảnh giác với các thủ đoạn giả mạo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Thi Nguyễn -

Thời gian gần đây, Công an TP.HCM ghi nhận một số vụ việc mạo danh Thanh tra Sở Y tế Thành phố lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng phương thức công nghệ cao, yêu cầu cơ sở kinh doanh thực phẩm chuyển tiền…

Văn bản giả mạo được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo người dân – Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.
Văn bản giả mạo được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo người dân – Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Công an TP.HCM cho biết trong hai ngày 25 và 26/9 vừa qua, Công an Thành phố ghi nhận vụ việc một số đối tượng lừa đảo sử dụng phương thức công nghệ cao gọi điện thoại cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và đề nghị kết bạn qua mạng xã hội Zalo để thông báo có đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở này liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng sau khi được kết bạn Zalo sẽ gửi một số tài liệu mạo danh Sở Y tế ký ban hành đến các cơ sở kinh doanh như quyết định và thông báo của Sở Y tế về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Để tạo niềm tin cho các chủ cơ sở, các đối tượng đã lấy mẫu hình thức tương tự văn bản của cơ quan nhà nước để cắt ghép. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ văn bản sẽ dễ nhận ra là giả mạo do văn bản có nhiều lỗi chính tả và sai chức danh người ký ban hành.

“Đây là thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội giả danh cơ quan chức năng nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để yêu cầu các chủ cơ sở chuyển tiền để "lo lót" với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Công an TP.HCM thông tin.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo trên. Nếu nhận được thông báo như trên hãy liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tố tụng hình sự… để thông báo, mời làm việc.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... không chuyển tiền cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Ngoài ra, khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Theo BS.CKII Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, ngày 30/12/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM cùng với quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thành phố quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm,.... Như vậy, từ năm 2024 trở đi, Thanh tra Sở Y tế không còn chức năng thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate