Với khoản chi phí bình quân 10 USD/khách hàng mà các ví điện tử phải bỏ ra để lôi kéo khách hàng, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, các ví điện tử của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn "đốt tiền".
Thống kê cho thấy, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho khoảng 38 doanh nghiệp đủ điều kiện làm ví điện tử. Trong đó, 5 ví điện tử lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch thanh toán qua ví điện tử trên thị trường.
TỐN TIỀN ĐỂ LÔI KÉO KHÁCH HÀNG
Song theo ông Hoè, thị phần 95% giao dịch thanh toán qua thẻ đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm lôi kéo khách hàng tham gia ví điện tử. "Các ví điện tử của Việt Nam hiện nay vẫn trong giai đoạn đốt tiền. Họ phải dùng tới 10 USD cho các chương trình khuyến mãi, tặng tiền... để hút được mỗi một khách hàng hay user sử dụng ví điện tử.
Không khó để bắt gặp hay nhận được những thông tin khuyến mãi như tặng tiền khi mở ví điện tử, giảm giá vé tàu xe, máy bay khi thanh toán bằng ví hay tặng chiết khấu cho những đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị kinh doanh kết nối với ví...
Mới đây, chị Lan Hương (quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội) mở ứng dụng Be trên điện thoại để đặt xe, không quên truy cập vào ví điện tử MoMo để lấy mã khuyến mại giảm giá tối đa 50.000 đồng/cuốc xe. "Từ khi Be thêm phương thức thanh toán là ví MoMo, tôi thường xuyên sử dụng các mã ưu đãi giảm giá để tiết kiệm chi phí. Mỗi khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ, tôi thường quan sát cửa hàng, siêu thị chấp nhận ví nào, có khuyến mại, hoàn tiền hay không rồi lựa chọn", Lan Hương tiết lộ.
Không chỉ MoMo, rất nhiều ví điện tử khác như ZaloPay, AirPay... cũng thông qua chương trình liên kết với ngân hàng để tặng người dùng các voucher trị giá lên tới hàng triệu đồng nhằm gia tăng trải nghiệm thanh toán các dịch vụ trên ví cũng như thanh toán tại các đơn vị là đối tác của ví cho khách hàng.
Theo ông Hoè, cuộc đua ưu đãi, hoàn tiền... của các ví điện tử ban đầu là để tạo thói quen cho người tiêu dùng tiếp cận các kênh thanh toán mới nhưng sau khi có được hàng triệu người dùng, các ví vẫn đẩy mạnh các chương trình chiết khấu, tặng tiền, giảm giá... để "giữ chân" khách hàng khi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường đẩy mạnh chiến dịch lôi kéo các khách hàng mới.
Đơn cử như MoMo, tính đến tháng 9/2020, ví này đã chạm mốc 20 triệu người dùng sau 10 năm ra thị trường bằng cách xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng hầu hết nhu cầu thiết yếu của khách hàng với hơn 20.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính - tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống, quyên góp từ thiện... Song đây cũng là một trong những ví "mạnh tay" trong giữ chân khách cũ và lôi kéo khách hàng mới.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo, đây không phải là câu chuyện lãi – lỗ mà đây là một phần của chiến lược mở rộng đầu tư của MoMo trong dài hạn nhằm vươn lên trở thành một trong những "đại bàng" trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
NHỮNG QUAN NGẠI VỀ THỊ TRƯỜNG
Nhưng vấn đề là, trong khi 95% thị trường đang tập trung trong tay 5 ví điện tử lớn thì vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp "lao" vào thị trường cung cấp ví điện tử. "Đơn giản là bởi thị trường ví điện tử của Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển", ông Hoè nói.
Theo đánh giá của Asian Banker Research, thị trường sẽ nhanh chóng chứng kiến sự nở rộ của các ví điện tử. Còn theo ước tính của Công ty tư vấn YCP Solidiance, tổng giá trị giao dịch thông qua các công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam sẽ chạm mốc 25 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần gấp 3 lần so với mức 9 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Nhưng vị chuyên gia đến từ Viện Chiến lược ngân hàng lại tỏ ra lo lắng trước sự tham gia ồ ạt của các doanh nghiệp mới vào thị trường ví điện tử cũng như việc các ví đang hoạt động phải tiêu tốn những khoản tiền lớn cho các chương trình lôi kéo khách hàng.
Làm theo phong trào là vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam mắc phải từ nhiều năm nay. Thấy các nhà đầu tư ngoại liên tục rót vốn vào Việt Nam, các doanh nghiệp làm ví "sôi" lên tham gia vào thị trường. Điều này có thể khiến nhiều fintech, start-up đổ vỡ khi đã chi hàng triệu USD cho các khoản đầu tư vào công nghệ. Ở chiều ngược lại, sự tham gia của những ví này cũng tạo ra áp lực khiến các ví điện tử đang có chỗ đứng trên thị trường buộc phải đưa ra các biện pháp nhằm níu chân khách hàng. "Dù có lợi cho khách hàng ở giai đoạn trước mắt song về lâu dài, áp lực tài chính đè lên doanh nghiệp rất lớn khi hệ sinh thái cho ví vẫn chưa đầy đủ và hoàn thiện", ông Hoè khẳng định.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định đối với các ví điện tử, câu chuyện kinh doanh không hẳn là lời hay lỗ mà quan trọng là mục tiêu chiến lược và khả năng tài chính của từng doanh nghiệp. Có ví đặt mục tiêu phát triển đến 1 hoặc vài triệu khách hàng rồi bán cho nhà đầu tư khác; có ví mở rộng mạng lưới đối tác, khách hàng để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình... "Thấy ví báo lỗ không hẳn là tiêu cực, bởi mục tiêu của họ có thể phát triển mạng lưới trong dài hạn rồi gọi vốn, bán cổ phần... sẽ hiệu quả hơn so với lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh hàng ngày", ông Minh phân tích.
Về dài hạn, quy luật tất yếu là sẽ hình thành các liên minh ví, giống như liên minh thẻ trước đây. Theo đó các ví sẽ kết nối với nhau, kết nối với các ngân hàng, các doanh nghiệp, đơn vị chấp nhận ví để tạo ra hệ sinh thái đầy đủ và hoàn thiện để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng ví, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy vậy, điều này chỉ có thể được giải quyết dựa trên nền tảng AI, Big Data và lấy khách hàng làm trung tâm. Trong khi đó, hiện nay các ví vẫn lấy các đơn vị chấp nhận thanh toán ví làm trung tâm nên các ví không tận dụng được hệ sinh thái của nhau. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam vẫn có câu chuyện các fintech làm ví để chiếm dụng vốn nên phát triển ví vẫn còn những rào cản...
Theo báo cáo Kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google năm 2019, Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về số lượng người dùng điện thoại thông minh và mạng xã hội với tỷ lệ truy cập Internet ở mức hơn 60%. Tuy nhiên, Việt Nam lại là nước có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt gần như thấp nhất khu vực châu Á, chỉ trên Philippines. Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam là 80% trong khi Indonesia 68%, Thái Lan 60%, Trung Quốc 34%... Những con số trên cho thấy Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.
Vì vậy, ví điện tử được phát triển để phục vụ cho thị trường bán lẻ, mà Việt Nam được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho lĩnh vực này nên các ví vẫn còn nhiều dư địa. Bằng chứng là số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này có tới 38 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trong đó có ví điện tử) nhưng số lượng ví phát triển mạnh, có lượng khách hàng lớn chưa nhiều.