Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dụng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần xây dựng công trình 568 vừa có văn bản số 313/2024/DCG gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng về phương án đầu tư đồng bộ toàn tuyến đường bộ cao tốc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo quy mô hoàn chỉnh bằng phương thức PPP.
GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG ĐẠT 16%, GIẢI NGÂN VỐN VAY NGÂN HÀNG TRONG THÁNG 4
Đề xuất của liên danh nhà đầu tư xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với ngay các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải. Trong đó, tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc 2 làn xe.
Đồng thời, rà soát bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tàng trên tuyến như: hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2024.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 được đầu tư theo phương thức PPP khoảng 93km quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 13,5m (chiều dài khoảng 76% toàn tuyến) và một số vị trí mở rộng với bề rộng nền đường 17m.
Còn giai đoạn 2 mở rộng các vị trí có bề rộng nền đường 13,5m thành quy mô 4 làn xe cao tốc với bề rộng nền đường 17m; đồng thời, làm mới 27km với quy mô 04 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.
Bên cạnh đó, xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ thuật dừng nghỉ trên tuyến... đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Về tiến độ dự án, ngày 01/01/2024, tỉnh Cao Bằng và liên danh nhà đầu tư đã tổ chức lễ khởi công dự án. Hiện nay, nhà đầu tư đang tích cực cùng tỉnh Cao Bằng thực hiện dự án giai đoạn 1, đưa vào khai thác trong quý 4/2026.
Về công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công, hiện đã bàn giao 15,5km/93km (đạt 16%), các nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu thực hiện bằng hình thức EC (thiết kế, thi công), EPC (thiết kế, mua sắm, thi công).
Doanh nghiệp dự án cũng đang thực hiện các thủ tục ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án giai đoạn 1 với ngân hàng VPBank trị giá 2.500 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong tháng 4/2024.
"Do đó, việc điều chỉnh dự án giai đoạn 1 sẽ phải thực hiện điều chỉnh nguồn vốn đầu tư sẽ ảnh hưởng đến ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân tín dụng cho dự án giai đoạn 1", liên danh nhà đầu tư lo ngại.
ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN HOÀN THIỆN QUY MÔ 4 LÀN XE
Trên cơ sở này, nhà đầu tư đề xuất tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 1 theo hợp đồng dự án được ký kết giữa các bên.
Việc đầu tư hoàn thiện toàn tuyến sẽ được thực hiện bằng dự án độc lập (dự án giai đoạn 2) theo phương thức PPP và được tách thành 2 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1 sẽ đầu tư xây dựng mở rộng đoạn tuyến Km0+00 - Km93+350 theo quy mô nền đường 17m với 4 làn xe cao tốc và bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.343 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước.
Dự án thành phần 2 sẽ đầu tư PPP xây dựng đoạn tuyến Km93+350 - Km121+060 theo quy mô nền đường 17m với 4 làn xe cao tốc và bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục.
Tổng mức đầu tư dự án thành phần 2 là khoảng 5.608 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tham gia 70% tổng mức đầu tư (khoảng 3.900 tỷ đồng).
Nhà đầu tư thu xếp vốn chủ sở hữu và vốn khác là 30% tổng mức đầu tư (khoảng 1.708 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn của dự án thành phần 2 là 41 năm 7 tháng.
Từ những phân tích kể trên, liên danh nhà đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng báo cáo Chính phủ, Quốc hội bố trí bổ sung phần vốn ngân sách nhà nước cho dự án thành phần 1 là 4.343 tỷ đồng và cho dự án thành phần 2 là 3.900 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn ngân sách nhà nước đề nghị bổ sung là 8.243 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lập đề xuất dự án giai đoạn 2 với 2 dự án thành phần. Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 2 theo quy định.
Với thực trạng của dự án hiện nay khó khăn về lưu lượng dẫn đến doanh thu thu phí kéo dài, địa hình thi công phức tạp khi suất đầu tư rất thấp nên cần sự chung tay của các doanh nghiệp, nhân dân, tổ chức tín dụng.
Vì vậy, liên danh nhà đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư tạo điều kiện để các doanh nghiệp đồng thời là nhà thầu đang đầu tư các dự án PPP khó khăn như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng… được tham gia thi công các dự án đầu tư công thuộc ngân sách của trung ương. Khi doanh nghiệp đầu tư chỉ tích lũy từ lợi nhuận trong thi công, khấu hao máy móc, thiết bị để tái đầu tư cho các dự án.
"Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) xem xét cho vay 1.452 tỷ đồng cho dự án thành phần 2", liên danh nhà đầu tư đề nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cần xem xét sớm tháo gỡ các vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng để đảm bảo chi phí thực hiện sát với thực tế, tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp xây dựng trong nước tồn tại, phát triển.