April 22, 2014 | 11:20 GMT+7

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị “ăn bớt” hạng mục?

Song Hà

VIDIFI được cho là đã “ăn bớt” một cầu vượt trong dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện chạy qua 4 tỉnh, thành với tổng vốn đầu tư gần 47.000 tỷ đồng.<br>
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện chạy qua 4 tỉnh, thành với tổng vốn đầu tư gần 47.000 tỷ đồng.<br>
Hàng trăm hộ dân huyện Yên Mỹ, Hưng Yên vừa có đơn tố cáo chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng “ăn bớt” một cầu vượt so với thiết kế được duyệt.

Theo phản ánh của các hộ dân Yên Mỹ, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ chia đôi cánh đồng 300 ha canh tác thâm canh của hai thôn Từ Hồ, Mễ Thượng.

Chính vì vậy, khi công khai quy hoạch, các hộ dân trong vùng đã được ban giải phóng mặt bằng xã Yên Phú mời đến họp bàn và cho biết, trong quy hoạch được duyệt sẽ có một cây cầu vượt trên tuyến đường tỉnh lộ 199, đoạn đi qua địa bàn xã Yên Phú để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Thế nhưng, sau đó thay vì làm cầu vượt, ban quản lý dự án cho biết sẽ tiến hành lấp hẳn đoạn đường giao với đường 199, thay vào đó là một cống dân sinh có chiều cao khoảng 2 m, rộng 4 m và cách vị trí làm cầu gần 3 km.

“Nếu xây dựng cống dân sinh như thế sẽ không đủ điều kiện cho hàng nghìn người hàng ngày phải ra cánh đồng làm việc, cùng với lưu lượng giao thông trong khu vực đang ngày một tăng”, ông Lương Văn Ngãi, đại diện các hộ dân nói.

Đáng chú ý, các hộ dân trong vùng cũng đã đưa ra một phép tính so sánh về mức thiệt hại của họ giữa việc xây cầu vượt và làm cống dân sinh.

Theo đó, hàng ngày có khoảng 200 hộ dân, tương đương khoảng 800 người phải đi lại trên con đường trên. Nếu phải đi vòng xuống đường bộ ở thôn bên cạnh sẽ xa hơn 2 km, thời gian đi bộ hết 40 phút; một ngày cả đi lẫn về 4 lần sẽ mất thêm gần 3h đồng hồ cho quãng đường khoảng 8 km.

Như vậy, thay vì mỗi ngày làm việc 8 tiếng, nay chỉ còn hơn 5 tiếng. Theo ngày công lao động ở địa phương, hiện tại, một lao động có thu nhập 150.000/8 giờ; hao phí do phải đi bộ sẽ làm mỗi người giảm thu nhập hơn 49.000 đồng.

“Chỉ cần làm phép tính đơn giải cũng cho thấy, mỗi năm, một nông dân bị thiệt hại gần 15 triệu đồng; 800 người sẽ bị thiệt hại gần 12 tỷ mỗi năm”, một người dân Yên Mỹ cho hay.

Trong công văn phản hồi về khiếu kiện của các hộ dân mới đây, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) - chủ đầu tư dự án nói trên, cho hay theo thiết kế ban đầu, hồ sơ thiết kế kỹ thuật gói thầu EX-2, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được phê duyệt năm 2010 thì đường tỉnh 206 và đường tỉnh 199 sẽ được bố trí 2 cầu vượt.

Tuy nhiên, sau đó VIDFI lại thay đổi thiết kế với lý do hai tuyến đường nói trên có khoảng cách quá gần, cách nhau chỉ khoảng 500 m, nên việc bố trí hai cầu vượt có quy mô đường cấp 3 đồng bằng (12 m) sẽ gây lãng phí không cần thiết và làm mất mỹ quan cho khu vực nói chung. Ngay cả cống dân sinh VIDIFI cũng đề nghị không xây dựng.

Trước những kiến nghị của các hộ dân xã Yên Mỹ, chính quyền sở tại đã đề xuất với chủ đầu tư về việc thiết kế cống dân sinh tại điểm giao giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường DT199, vị trí được thiết kế sẽ xây cầu vượt.

Thế nhưng, theo ông Hoàng Văn Phan, phó thôn Từ Hồ, “thời điểm các hộ dân được mời đến thông báo về phương án đền bù, chúng tôi được biết sẽ có cầu vượt để bà con ra đồng làm việc. Thế nhưng sau khi thống nhất xong, họ tự ý thay đổi thiết kế và không thông báo cho nhân dân biết”.

Được biết, phương án xây công dân sinh thay thế cầu vượt của VIDIFI hiện vẫn chưa được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên phê duyệt.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư lên đến 46.900 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 105,5km với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6 km), Hưng Yên (26,5 km), Hải Dương (40 km), Hải Phòng (33 km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).

Công trình đã được khởi công từ năm 2008, dự kiến sẽ hoàn thành và thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate