April 17, 2017 | 16:58 GMT+7

Cấp bách cần nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu

Nguyên Vũ

Chính phủ đề nghị Quốc hội có nghị quyết về xử lý nợ xấu, nhưng hồ sơ chính thức đến giờ chưa có

<div>Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên thảo luận.</div><div><br></div>
<div>Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên thảo luận.</div><div><br></div>
Chiều 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ ba, dự kiến khai mạc ngày 22/5 và bế mạc chiều 20/6.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đối với 3 nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung vào nội dung kỳ họp này.

Đó là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu, dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu được đồng ý bổ sung thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét ngay phiên họp tháng này để kịp gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

“Cấp bách” số một

Trong ba nội dung nói trên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thì cấp bách nhất là nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Bà cho biết thêm, ban đầu Chính phủ muốn ban hành một dự án luật để xử lý nợ xấu, “nhưng tình hình nợ xấu không phải luôn luôn là như thế này, nên không thể ban hành luật mà nếu cần thì ban hành nghị quyết”.

Nhưng, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn vì đến nay chưa có hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét , trong khi muốn trình Quốc hội tại kỳ thứ ba thì phải trình để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay phiên họp này.

“Trong ba nội dung Chính phủ đề nghị thêm, nếu cần thiết thì xem xét nghị quyết về xử lý nợ xấu, vì đây là cục máu đông của nền kinh tế, nếu chậm đến kỳ họp thứ 10 thì lại kéo thêm tình trạng này”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Nhận xét đề xuất của Chính phủ là hợp lý, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý phải căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quan trọng nhất là phải đủ điều kiện và chất lượng trình Quốc hội.

“Dù là nghị quyết nhưng yêu cầu cũng cao không kém gì dự án luật, phải có quy trình rất chặt chẽ, có thể quy trình rút gọn nhưng vẫn phải qua hai vòng như một dự án luật”, ông Hiển nói.

Riêng với Luật Các tổ chức tín dụng, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng dứt khoát phải qua hai kỳ họp Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, cả ba nội dung trên Chính phủ đều đề nghị thông qua trong một kỳ họp thứ ba của Quốc hội. Nhưng luật thì phải làm hai kỳ và ngay phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến xem có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không kịp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng thông tin, đến bây giờ chưa nhận được hồ sơ chính thức về các nội dung đề nghị bổ sung, trong khi đây  là vấn đề rất khó và Uỷ ban rất nhiều việc.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu, nhưng rất khó khăn”.

“Nên xếp lịch cho dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ trình hồ sơ dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu để Uỷ ban Thường vụ xem xét tại phiên họp tháng này và dù theo quy trình một kỳ họp vẫn phải đủ hai vòng.

Bà yêu cầu: “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nếu muốn trình Quốc hội cũng phải được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này”.

Tiếp tục đề nghị lùi Luật Về hội

Về các nội dung khác, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, dự kiến rút 4 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình.

Gồm: Luật Về hội; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện.

Trong số này, Luật Về hội lẽ ra đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2016), nay lại tiếp tục được đề nghị lùi.

Với 21 ngày rưỡi dự kiến của kỳ họp Quốc hội thứ ba, thời gian chất vấn tăng từ 2 ngày rưỡi lên 3 ngày. Nhưng Tổng thư ký Quốc hội đề nghị không tăng nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn để tăng thời gian tranh luận của đại biểu Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ Bảy để đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate