Tính đến trưa ngày 30/7/2024, đã có 751 doanh nghiệp đại diện 58,2% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý 2/2024, thống kê từ FiinTrade.
Trong đó: Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 751 doanh nghiệp đạt 29% so với cùng kỳ trong quý 2/2024, dẫn dắt bởi tăng trưởng của nhóm Phi tài chính thay vì nhóm Tài chính như trong các lần cập nhật trước đây.
Lợi nhuận sau thuế của nhóm Tài chính tiếp nối đà tăng trưởng của quý 1, tăng 25,1% so với cùng kỳ trong quý 2/2024. BID là ngân hàng mới nhất công bố kết quả kinh doanh quý 2, với lợi nhuận sau thuế tăng 17,7% nhờ đóng đáng kể từ thu nhập ngoài lãi. Mức tăng trưởng lợi nhuận của BID thấp hơn so với mặt bằng chung của ngành cập nhật đến ngày 30/7 tăng 26,6%.
Nhóm Phi tài chính bất ngờ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với Tài chính, đạt 33,1% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào sự thay đổi này là nhờ tăng trưởng lợi nhuận cao ở một số doanh nghiệp mới được cập nhật thuộc ngành Thiết bị điện (GEX), Thép (NKG), Phân bón (DCM), Viễn thông (VGI).
Cụ thể, tại GEX, theo báo cáo vừa công bố, quý 2 năm 2024, Tập đoàn GELEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 8.250 tỷ đồng và 1.385 tỷ đồng, tăng 3,2% và 59,2% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, GELEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.910 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ.
Năm 2024, GELEX đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện 2023. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, GELEX đã thực hiện 46,2% mục tiêu doanh thu và 92,1% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2024.
Công ty CP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) cũng vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 ấn tượng với doanh thu thuần 5.661 tỷ đồng tăng 3% nhưng nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng vậy dẫn đến báo lãi sau thuế 220 tỷ đồng tăng 75% so với cùng kỳ.
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) cũng vừa trải qua một kỳ kinh doanh nổi trội tại quý 2/2024, với khoản lãi ròng gần gấp đôi cùng kỳ. Trong quý 2, ông lớn phân bón đạt gần 3.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng nhẹ hơn, chỉ 11%. Sau khấu trừ, doanh nghiệp lãi gộp 610 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 65%. Đáng chú ý là khoản lợi nhuận khác tới 176 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu lời từ thương vụ mua rẻ nhà máy phân bón KVF.
Tại VGI cũng cho thấy một kỳ kinh doanh đảo chiều ngoạn mục từ lỗ sang lãi. Báo cáo cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettel Global đạt gần 8,700 tỷ đồng, tăng 27% so với quý 2 năm 2023, cao gấp gần 5 lần so với mức tăng trưởng viễn thông thế giới (6% theo GSMA). Viettel Global ghi nhận 10 quý tăng trưởng liên tục so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là quý có doanh thu cao nhất từ trước tới nay của Tổng công ty. VGI báo lãi 158 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ lên tới 1.943 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của 37/47 doanh nghiệp ngành Điện giảm 21,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm trong cập nhật gần nhất giảm 40% nhờ kết quả kinh doanh tích cực của POW. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế Q2/2024 của POW tăng 148,5% so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng trưởng và biên EBIT cải thiện.
Trên thị trường chứng khoán, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt như trên phần lớn đang bị điều chỉnh do hiệu ứng "tin ra là bán". Chẳng hạn, BID giảm 1%; DCM giảm 1,4%; NKG giảm 1,5%...
Mặc dù vậy, theo nhận định của giới chuyên môn, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt hơn đã giúp cho định giá của VN-Index đang ở vùng giá hấp dẫn sau khi điều chỉnh tuần qua. "Kết quả kinh doanh cùng các chỉ số vĩ mô đang rất ủng hộ cho thị trường tiếp tục đi lên. Trong ngắn hạn thị trường bị phản ứng bởi tâm lý liên quan đến margin, lãi suất... nhưng hiện tại cơ hội tăng lớn hơn nhiều so với rủi ro giảm điểm", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta nhận định.