June 02, 2010 | 15:34 GMT+7

Cắt điện: “EVN cũng có phần... áy náy”

Từ Nguyên

Lãnh đạo EVN lý giải về nguyên nhân thiếu điện và tình trạng cắt điện trong thời gian qua

Ông Đặng Hoàng An - Ảnh: Bảo Anh.
Ông Đặng Hoàng An - Ảnh: Bảo Anh.
Thông thường, một mặt hàng có giá cao hơn thì chất lượng và dịch vụ đi kèm cũng sẽ nhỉnh hơn mặt hàng cùng chủng loại.

Thông lệ đó lại dường như đã không đúng với điện, sau khi giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 1/3 năm nay. Việc cắt điện luân phiên, rồi liên tiếp trên diện rộng, không báo trước của một số đơn vị quản lý điện cơ sở, đã khiến những bức xúc của người dân nhiều lúc lên tới cao trào.

Thế nhưng, theo ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đơn vị cung cấp, quản lý nguồn điện chủ yếu hiện nay - thì đơn vị này cũng đã làm hết trách nhiệm.

Cắt điện là không tránh khỏi

Thưa ông, trước thời điểm tăng giá điện hồi đầu tháng 3, lãnh đạo EVN có khẳng định rằng, tăng giá điện thì chất lượng phục vụ cũng sẽ tăng theo. Vậy, ông lý giải ra sao về tình trạng cắt điện liên tục trong thời gian qua?

Làm thế nào để tăng chất lượng dịch vụ là mong muốn của tất cả cán bộ, công nhân ngành điện. Tuy nhiên, do điện là một loại hàng hóa đặc biệt, không giống như hàng hóa bình thường có sẵn trong kho, muốn xuất khi nào là xuất, nên nhiều khi mong muốn cũng chỉ dừng lại ở mong muốn.

Hơn nữa, trong điều kiện thủy điện chiếm đến 35%, với một năm cực hạn như năm nay, thì để phục vụ tốt càng thêm khó khăn.

5 tháng đầu năm nay, EVN có đến 1.500 MW dòng điện mới, cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm 2009, nhưng tổng sản lượng điện thất thoát tính toán đến 30/5 đã trên 2 tỷ kWh.

Thực tế đó cho thấy, nhà máy thì thừa mà dịch vụ thì không tăng, nên EVN cũng có phần áy náy trong chất lượng phục vụ.

Vì cả nước đang thiếu điện nên việc cắt điện một số khu vực là không thể tránh khỏi. Song Bộ Công Thương và EVN cũng đã tăng cường kiểm tra việc cắt điện.

Sau khi kiểm tra một số trường hợp cắt điện tại một số nơi kéo dài, không báo trước thì chúng tôi đã chấn chỉnh ngay. Còn đối với một số khu vực như bệnh viện, công ty cấp nước sạch, trường học... trong thời gian qua chúng tôi không hề cắt giảm điện cung cấp các địa chỉ này. Nếu có thì chỉ một số nơi phải tạm dừng cấp điện do có sự cố chứ không nằm trong danh mục tiết giảm.

Những gì chúng tôi muốn nói lúc này là để nâng cao chất lượng phục vụ cần phải có rất nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ trọng thủy điện ngày càng phải giảm dần, tăng các nguồn điện khác.

Ngoài việc mong muốn khách hàng thông cảm, thì EVN cũng rất muốn khách hàng từ người dân đến các doanh nghiệp lớn cùng EVN thiết thực sử dụng điện một cách hiệu quả.

Hiện các chuyên gia nước ngoài cũng rất ngạc nhiên về cách thức sử dụng điện của Việt Nam.

Đã làm hết trách nhiệm

Có thông tin Cục Điều tiết điện lực cho biết trong một cuộc họp gần đây, rằng trong thời gian qua, dù thiếu điện nhưng EVN đã không huy động một số nhà máy điện chạy dầu, để có thể đảm bảo lợi nhuận?

Vì tôi không tham dự cuộc họp đó, nên tôi xin không bình luận gì thêm về ý kiến của Cục Điều tiết điện lực. Nhưng theo tôi, trong số lãnh đạo của EVN chắc chắn không có ai phát ngôn như vậy, bởi thực tế hàng chục năm qua, chưa bao giờ chúng tôi có lãi trong mùa khô.

Bên cạnh đó, nếu đối chiều các số liệu trong tháng 4/2010 sẽ thấy EVN đã huy động một sản lượng điện không hề nhỏ, khoảng 400 triệu kWh điện chạy dầu FO, 57 triệu kWh điện từ dầu DO.

Trong tháng 5 vừa qua, dù giá điện chạy dầu đắt gấp 4 - 5 lần giá EVN đang bán ra cho xã hội, nhưng chúng tôi cũng đã huy động điện chạy dầu FO tới 1,86 tỉ kWh, tăng 249% so với cùng kỳ 2009, huy động được điện 330 triệu kWh điện chạy dầu DO, tăng 290%, diesel cũng tăng 115,9% so với cùng kỳ năm trước...

Theo luật thì nếu cắt điện bất thường, không báo trước thì EVN phải đền bù, chứ không chỉ dừng lại ở việc xin lỗi hay thông cảm?

Việc có phải đền bù hay không sẽ do cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Điều tiết điện lực xem xét, quyết định.

Mong muốn của chúng tôi là mọi việc cần phải được xem xét kỹ lý do, nguyên nhân. Còn nếu khách hàng băn khoăn về trách nhiệm của EVN, thì chúng tôi khẳng định là đã làm hết trách nhiệm.

Còn nếu nói là cắt điện thiệt hại bao nhiêu thì EVN cũng không thể đưa ra câu trả lời được, vì chúng tôi không có đủ chuyên gia để đi tính thiệt hại này. Thiệt hại chắc chắn là lớn nhưng đây là bất khả kháng. Không phải là EVN không muốn không đầu tư, bởi nếu tính công suất thì chúng ta thừa, nhưng do hạn hán nên không có nước để chạy.

Có lãng phí nhưng không thể công bố

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có chỉ thị yêu cầu EVN cung cấp đủ điện sinh hoạt, sản xuất. EVN phản hồi chỉ thị này như thế nào trong bối cảnh nguồn điện vẫn tiếp tục căng thẳng?

Trước khi có chỉ thị trên thì mức độ ưu tiên cho các hộ sử dụng điện đã có quy định cụ thể. Chỉ thị của Bộ Công Thương vừa qua chỉ nhấn mạnh là vẫn phải ưu tiên điện cho sản xuất, xuất khẩu, trung tâm chính trị lớn...

Còn theo quy luật hằng năm thì tháng 5, tháng 6 là thời điểm rất khó khăn về điện. Hiện tại có thể nói chúng ta đang ở đáy của thiếu điện. Đến cuối tháng 5, nhiều hồ thủy điện lớn chỉ còn 1 - 2m nước, nên chúng tôi phải chỉ đạo nước về bao nhiêu chạy bấy nhiêu vì nếu để xuống mức nước chết, cả 6.500 MW thủy điện không hoạt động thì sẽ là thảm họa.

Hy vọng rằng, sau 20/6, nguồn điện sẽ bớt căng thẳng, song thực tế như thế nào còn phải phụ thuộc vào lượng mưa và các nhà máy điện chuẩn bị hòa lưới, khắc phục sự cố.

Vừa qua, EVN và Bộ Công Thương có tiến hành kiểm tra việc sử dụng điện tại 20 địa phương và một số tập đoàn, tổng công ty. Tại sao kết quả vẫn chưa được công bố, thưa ông?

Thực tế thì sau khi kiểm tra tại một số tổ chức, doanh nghiệp đã cho thấy có hiện tượng sử dụng lãng phí điện. Tuy nhiên, để đưa ra kết quả đánh giá khách quan cũng rất khó. Nhiều tòa nhà của các doanh nghiệp tiêu tốn bao nhiêu năng lượng điện còn phụ thuộc vào kiến trúc và thời hạn sử dụng của tòa nhà.

Vẫn biết rằng, những tòa nhà xây mới hiện đại sẽ tiêu tốn ít điện hơn, song không phải địa phương, đơn vị nào cũng có khả năng xây mới được. Chúng tôi chỉ có thể đề nghị một số địa phương hạn chế việc sử dụng điện công công vào mục đích trang trí, cảnh quan...

Nhưng tôi cũng xin lưu ý rằng, đối với những gì mà EVN làm sai thì chúng tôi có thể công bố ngay. Song với những địa phương chưa thực hiện tốt thì cũng rất khó để công bố bởi còn liên quan đến chủ ý và những quan hệ của các sở ngành và lãnh đạo địa phương.

Chúng tôi chỉ có thể mong muốn UBND các địa phương tích cực hợp tác hơn nữa với EVN trong việc tiết kiệm điện.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate