Giảm giá bán đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay, song đó là “cắt lỗ” hay mới chỉ “giảm lãi” thì chỉ có doanh nghiệp đó mới biết được.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời VnEconomy như vậy bên lề hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng, lần đầu tiên được tổ chức chiều 17/12.
Vấn đề cắt lỗ hay giảm lãi tưởng chừng như không có nhiều ý nghĩa đối với động thái giảm giá bán. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, việc giảm giá bán của các chủ đầu tư xuất phát từ động cơ nào lại vô cùng có ý nghĩa với quyết định của người mua cũng như quyết định đến triển vọng thị trường trong thời gian tới.
Bởi lẽ, nếu như doanh nghiệp bất động sản vì thị trường ế ẩm, giao dịch gần như đóng băng buộc họ phải “cắt lỗ”, giảm giá bán để thu hồi phần nào đồng vốn đã bỏ ra, nên khi nó lan tỏa ra nhiều doanh nghiệp thì chắc chắn rằng, người mua nhà sẽ nhận thấy thị trường chạm đáy và tính thanh khoản sẽ được cải thiện từ đây.
Còn ngược lại, trong trường hợp doanh nghiệp hạ giá bán nhưng mới chỉ là “giảm lãi”, đương nhiên khách hàng và người mua nhà nói chung sẽ có tâm lý chờ đợi giá sẽ giảm nữa. Trong trường hợp đó, thị trường sẽ lại tiếp tục rơi vào trầm lắng, người cần nhà cũng chưa muốn mua, còn doanh nghiệp lại tiếp tục ngập chìm trong khó khăn.
Trong phần trả lời VnEconomy, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn khi cho rằng, việc thị trường bất động sản đóng băng có hai mặt của nó. Mặt tích cực là nó phản ánh đúng thực tế của thị trường như thế, tạo điều kiện cho người mua nhà, đất. Nhưng mặt tiêu cực là nó làm cho nền kinh tế khó khăn thêm, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác của nền kinh tế.
Ông Dũng cũng thừa nhận có nhiều nguyên nhân khiến thị trường đóng băng, trong đó có cả nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước và từ chính chủ đầu tư. Song theo Bộ trưởng, trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp nào cũng phải phải tôn trọng quy luật của thị trường, đó là quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị, cung cầu...sau đó mới đến sự can thiệp của nhà nước.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành xây dựng cũng lưu ý, thị trường bất động sản xưa nay không thể tách rời kinh tế vĩ mô, nên khi tình hình khó khăn, nó sẽ bị ảnh hưởng từ khó khăn của nền kinh tế, tuy nhiên theo ông, ảnh hưởng đến nay cũng chưa phải là nhiều.
Bình luận về quan ngại đổ vỡ của thị trường bất động sản, mà trước mắt là sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp do thị trường quá trầm lắng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong quy luật phát triển, bao giờ cũng có doanh nghiệp phát triển lên, có doanh nghiệp phá sản. Do vậy, việc doanh nghiệp bất động sản phá sản là chuyện bình thường.
Theo ông, vấn đề quan trọng chỉ là phá sản nhiều hay ít thì cơ quan quản lý mới cần phải quan tâm, nghiên cứu.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu và thực tế thì có thể sẽ còn có nhiều doanh nghiệp còn phá sản. Đây cũng không phải là trách nhiệm riêng của Bộ mà là của nhiều bộ, ngành khác, của Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cũng chia sẻ thêm, đứng ở góc độ người dân, khách hàng, việc giảm giá bất động sản là quá tốt. Khi cung tăng, cầu giảm thì giảm giá là chuyện đương nhiên. Điều đó sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng thiệt cho người bán. Quan điểm của Bộ trưởng là làm thế nào để cả hai cùng có lợi và muốn vậy cần phải có sự can thiệp của nhà nước.
Theo ông, nguyên tắc của doanh nghiệp là phải có lãi, nhưng có lãi phải đối phó được với tình trạng có thể lỗ. Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận, có trường hợp giảm giá bán mới chỉ giảm lãi, nhưng cũng có trường hợp bị lỗ thật. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng của Bộ trưởng khi trả lời câu hỏi này của VnEconomy được gói gọn trong một câu “chỉ doanh nghiệp mới biết thôi”.
Bình luận về trách nhiệm của Bộ chủ quản trong việc để thị trường trầm lắng, thiếu ổn định, Bộ trưởng Dũng thừa nhận có một phần lỗi của Bộ cũng như cơ quan quản lý trong khâu quy hoạch, kế hoạch, kiểm soát phát triển chưa đồng đều.
Tuy nhiên, theo ông, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng làm theo phong trào, tất cả cùng kéo nhau lên trên một thuyền, nên khi gặp sóng thuyền tất yếu sẽ chòng chành và doanh nghiệp sẽ là người chịu thiệt đầu tiên.
“Bất động sản ảnh hưởng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô thì phải cứu. Nhưng cứu không có có nghĩa mang tính chất giải cứu thông thường mà vấn đề là làm thế nào để tạo động lực cho thị trường phát triển, giải quyết lao động, đóng góp cho vấn đề an sinh. Nhà nước không bỏ rơi thị trường nào cả, nhưng doanh nghiệp cũng phải xem lại, tái cơ cấu, phân khúc của mình bán ra thế nào là phù hợp”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Nhìn nhận về triển vọng thị trường trong năm tới, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng, nguy cơ mất ổn định của nền kinh tế vẫn chưa hết, đặc biệt là tác động của suy thoái kinh tế. Kinh tế năm 2012, Chính phủ không đặt mục tiêu tăng trưởng cao mà tăng cường kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nên tất yếu bất động sản sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, khó khăn.
“Tôi cho rằng, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tiếp tục chịu đựng thôi. Năm tới, điểm sáng của thị trường sẽ là phân khúc nhà cho người thu nhập thấp, nhưng giá phải ở mức độ phù hợp với khả năng thanh toán của người dân”, Bộ trưởng Dũng dự báo.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate