October 18, 2021 | 16:10 GMT+7

Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang

Tường Bách -

Paris là một thành phố có lịch sử thiêng liêng và là nơi mà những đế chế thời trang lâu đời nhất (và lớn nhất) được thành lập. Ở đó, các kho lưu trữ của các nhà mốt từng “bất khả xâm phạm”…

Gucci gần đây đã chính thức công bố “ngôi nhà mới” cho bộ sưu tập lưu trữ của mình tại Florence, Ý. Được đặt tại Palazzo Settimanni, bộ sưu tập lưu trữ của Gucci bao gồm một số tác phẩm lưu trữ mang tính biểu tượng của thương hiệu. Giám đốc Sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele chia sẻ: "Nhiệm vụ của tôi là mang thêm nhiều kỷ vật trở về ‘nhà’. Một nơi bảo tồn lịch sử, quá khứ và cũng là cây cầu nối liền với đương đại”.

Việc khai trương bảo tàng lưu trữ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kỷ niệm 100 năm thành lập của nhà mốt. Palazzo Settimanni - toà nhà có từ thế kỷ 15 - được Gucci mua lại vào năm 1953 và đã trở thành một phần không thể thiếu của thương hiệu. Chính giám đốc sáng tạo Michele đã làm việc với Palazzo Settimani để tân trang và thiết kế lại hoàn toàn tòa nhà, khôi phục nó về trạng thái ban đầu.

Cấu trúc của tòa nhà, bao gồm các yếu tố giống như trong truyện cổ tích, được mô tả là cầu nối giữa thực tế văn hóa và lịch sử. Valerie Steele của Học viện Công nghệ Thời trang ở New York đã hợp tác với Michele về cách bố trí và quản lý không gian. "Kho lưu trữ là một cung điện ký ức. Khác xa với một tầng áp mái bụi bặm, nó là một hệ thống truyền cảm hứng và thức cho các thế hệ. Với thời gian, những thương hiệu như Gucci, có lịch sử 100 năm, phát triển các kho lưu trữ để giữ cho các di sản văn hóa vật thể tồn tại cho hiện tại và cho cả tương lai,” bà Steele nhận xét.

Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 1
Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 2
 
Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 3
Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 4
 

Đồng thời, Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele đã trình làng một ý tưởng táo bạo với tên gọi “Kho báu Gucci” hay Gucci Vault tại Milan Fashion Week vừa qua. Đây là một concept store online chuyên lưu trữ và bày bán các sản phẩm vintage trong suốt hành trình 100 năm lịch sử của nhà mẫu đình đám tại Ý này.

Những sản phẩm này được chính tay Michele chọn lựa và làm mới lại bởi các nghệ nhân của Gucci. “Kho báu Gucci” cũng bày bán những thiết kế từ 13 nhà thiết kế trẻ mới nổi trên toàn cầu. Ý tưởng này của Gucci thể hiện sự chín muồi về mặt sáng tạo, phù hợp với xu hướng thời trang bền vững, và có tiềm năng nhất định về mặt thương mại. Gucci không chỉ từng bước lấn sân sang việc mua bán sản phẩm đã qua sử dụng của chính hãng, mà còn tạo ra một dòng sản phẩm đặc biệt pha trộn giữa cái cũ và cái mới khi họ thổi hồn vào sản phẩm cũ để phù hợp với thời đại mới.

Tương tự, với 6.000 món đồ xuyên suốt lịch sử của nhà mốt, ngôi nhà Haute couture Balenciaga nằm tại Avenue George V lưu giữ những giá trị nghệ thuật của thời trang tồn tại qua thời gian. Tại đây, mỗi khi có một bộ sưu tập mới được gửi đến, đội ngũ nhân viên của nhà lưu trữ sẽ mang găng tay cotton trắng để tháo gỡ bao bì trang phục. Sau đó, những hàng may mặc này được chuyển đổi – từ những bộ trang phục hiện đại thành những mẫu vật được bảo quản.

Nhóm lưu trữ thảo luận về cách ổn định các phần cụ thể: ví dụ bằng cách chặn từ eo đến hông nhằm giữ được đường cong của các bộ váy, tránh cho chúng bị biến dạng. Chúng thường được đặt nằm ngay ngắn trong một chiếc hộp, ví dụ như chiếc váy dạ hội của Gvasalia, được thiết kế với chất liệu sequin-embroidered từ công ty dệt Jakob Schlaepfer của Thụy Sĩ. Đôi giày bốt kèm theo cũng được lưu trữ trong phòng dành cho các phụ kiện mang tính hiện đại. Nhiệm vụ của nhóm bảo tồn là để đảm bảo quần áo của Balenciaga – trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai – vẫn tồn tại, chống lại sự hủy hoại của thời gian.

Cũng vậy, dành riêng cho công việc của nhà thiết kế thời trang huyền thoại người Pháp, bảo tàng Yves Saint Laurent Marrakech là nơi cất giữ một lựa chọn quan trọng từ Fondation Pierre Bergé – bộ sưu tập vô cùng ấn tượng của Yves Saint Laurent, bao gồm 5.000 mặt hàng may mặc, 15.000 phụ kiện thời trang cao cấp cũng như hàng chục ngàn bản phác thảo và nhiều đồ vật liên quan.

Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 5
Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 6
 
Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 7
Câu chuyện di sản tại kho lưu trữ của các thương hiệu thời trang - Ảnh 8
 

Nằm trên đường Rue Yves Saint Laurent, liền kề với Jardin Majorelle nổi tiếng, tòa nhà mới trải rộng hơn 4.000 m2 và không chỉ là một bảo tàng. Nó có không gian trưng bày cố định 400 m2, trưng bày các tác phẩm của Yves Saint Laurent trong một bối cảnh nguyên bản được thiết kế bởi Barshe Martin; một không gian triển lãm tạm thời 150 m2, một khán phòng 130 chỗ, một hiệu sách, một quán cà phê với một sân thượng và một thư viện nghiên cứu chứa 5.000 cuốn sách.

Đặc biệt những phương pháp chính xác cho việc bảo tồn hàng dệt đã được đưa ra bởi Fondation Pierre Bergé, đã làm việc trong hơn một thập kỷ để nhằm lưu trữ các tác phẩm của nhà thiết kế quá cố. Phối hợp với X-Art, các chuyên gia về vấn đề bảo tồn các rủi ro, bảo tàng Marrakech có hệ thống điều hòa không khí hoàn chỉnh với điều khiển nhiệt độ và độ ẩm để đảm bảo mỗi vật phẩm, có thể là trang phục couture từ bộ sưu tập được trưng bày trong không gian triển lãm hoặc một cuốn sách hiếm trong kho lưu trữ tầng hầm, vẫn được bảo quản trong điều kiện lưu trữ hoàn hảo.

Đầu tháng 10 vừa qua, khi ra mắt BST Xuân Hè 2022, Giám đốc Sáng tạo Anthony Vaccarello quyết định giới thiệu BST mới nhất của Saint Laurent lấy cảm hứng từ bộ suit dành cho nữ giới nằm trong BST “Le Smoking” (1966) lừng lẫy của NTK Yves Saint Laurent. Bên cạnh đó, các thiết kế đầm xẻ ngực sâu gợi cảm, đồ jumpsuit họa tiết hoa ôm sát với những đường cắt xẻ táo bạo và những mẫu đầm tạo hiệu ứng xoắn mang đậm dấu ấn thập niên 80 từ kho lưu trữ của Saint Laurent cũng được Anthony Vaccarello biến tấu mới mẻ hơn.

Có thể nói, nhờ vào di sản được cất giữ tại các kho lưu trữ, ngày nay các nhà thiết kế có thể sử dụng những phong cách từng xuất hiện trong quá khứ để gắn kết thẩm mỹ cá nhân họ với yếu tố định vị thương hiệu. Bạn có thể không nhận ra cái tên Maria Grazia Chiuri ngay tức thì nhưng bạn sẽ nhận ra cái tên và kiểu dáng của Dior mà bà thiết kế cho nhà mốt – bộ Bar jacket, váy wide-spread. Trong một thị trường đông đúc và hỗn độn, chính những chi tiết định vị thương hiệu được duy trì từ quá khứ sẽ giúp mỗi một nhà mốt không ngừng phát triển trong tương lai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate