July 14, 2021 | 15:52 GMT+7

Cầu đỡ quá yếu, VN-Index “suýt” thủng đáy

Kim Phong -

Thị trường bị “dí” thêm một nhịp ngắn ngay đầu phiên chiều, VN-Index xuống thấp nhất 1264,68 điểm, tức là đã thủng mức thấp nhất của hôm 12/7. Rất may cuối phiên cầu bắt đáy xuất hiện trở lại nâng giá blue-chips, nhưng chỉ số vẫn đóng cửa giảm 1,36%...

VN-Index hồi lên một chút trong buổi chiều, nhưng mức độ hồi yếu do nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn cản trở.
VN-Index hồi lên một chút trong buổi chiều, nhưng mức độ hồi yếu do nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn cản trở.

Thị trường bị “dí” thêm một nhịp ngắn ngay đầu phiên chiều, VN-Index xuống thấp nhất 1264,68 điểm, tức là đã thủng mức thấp nhất của hôm 12/7. Rất may cuối phiên cầu bắt đáy xuất hiện trở lại nâng giá blue-chips, nhưng chỉ số vẫn đóng cửa giảm 1,36%.

Độ rộng sàn HoSE cải thiện không đáng kể trong phiên chiều cho thấy khả năng phục hồi đối với cổ phiếu vẫn hạn chế. Phần lớn mã, trong đó có cả các blue-chips, chỉ phục hồi theo hướng bớt giảm.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn là gánh nặng quá lớn đối với thị trường nói chung và các chỉ số nói riêng. Hàng loạt mã ngân hàng cùng tạo đáy sâu nhất ngày trong vài phút đầu phiên chiều: TCB giảm 6,12%, VCB giảm 3,29%, BID giảm 3,3%, VPB giảm 6,09%, STB giảm 5,92%, HDB giảm 5,45%, TPB giảm 5,46%...

Ngay cả các trụ như VHM, VNM, HPG, MSN cũng tạo đáy cùng thời điểm, tạo sức ép cực mạnh lên VN-Index lẫn Vn30-Index. Hai chỉ số này giảm sâu nhất 2,53% và 3,17% so với tham chiếu.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện sau đó đã đỡ được giá nhiều mã phục hồi dần về tham chiếu. BID và MSN là hai cổ phiếu gây bất ngờ nhất. Thanh khoản ở BID không quá lớn, chỉ giao dịch thêm hơn 1 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 42,5 tỷ đồng chiều nay, nhưng giá phục hồi rất tích cực. BID leo dần về phía tham chiếu vào phút chót của đợt khớp lệnh liên tục. Trong phiên ATC, cầu đột ngột đẩy mạnh thành tăng 0,47%. Tính ra BID tăng 3,9% kể từ đáy. MSN đầu phiên chiều cũng sụp -3,3% so với tham chiếu. Cú đẩy chốt phiên đưa MSN vượt tham chiếu 1,04%.

Điều đáng tiếc là nhịp hồi giá không đồng đều, vẫn còn nhiều mã giảm rất sâu, phục hồi không đáng kể. Mặt khác không phải mã nào cũng có tác dụng kéo chỉ số như nhau, nên VN-Index cuối ngày vẫn giảm 1,36% so với tham chiếu tương đương mất 17,63 điểm. VN30-Index vẫn giảm 2,12%.

Cổ phiếu ngân hàng phục hồi không tốt, trừ BID. TCB vẫn giảm tới 5,38% và đóng cửa ngay sát giá thấp nhất ngày. VIB nằm gục ở giá sàn. VPB còn giảm 3,91%, MBB giảm 3,19%, VCB giảm 1,55%, STB giảm 4,53%, CTG giảm 2,6%, HDB giảm 3,83%, EIB giảm 5,69%, ACB giảm 3,5%, TPB giảm 5,17%...

Trong các trụ còn lại, VNM cũng gây bất ngờ phút chót khi được kéo tăng vọt 0,83% so với tham chiếu. Cổ phiếu này cơ bản ổn định trong phiên chiều, không chịu nhiều tác động ở nhịp giảm đầu phiên, nhưng cũng không có tiến triển mạnh mẽ hơn. Chỉ đến cuối ngày một lượng tiền lớn nhảy vào mua đưa giá tăng. Khoảng trên 31 tỷ đồng đã đẩy giá VNM phút chót.

Nhìn chung mức độ phục hồi về chiều của cổ phiếu sàn HoSE cũng không quá kém. Trong nhóm VN30 có 7 mã phục hồi được hơn 2% so với đáy thấp nhất đầu phiên chiều, 9 cổ phiếu khác phục hồi hơn 1%.

Dù vậy độ rộng không cải thiện cũng cho thấy mức độ phục hồi còn yếu. VN30 đóng cửa với 7 mã tăng/22 mã giảm trong khi cuối phiên sáng là 5 mã tăng/24 mã giảm. Toàn sàn HoSE đóng cửa với 138 mã tăng/234 mã giảm, cuối phiên sáng là 116 mã tăng/232 mã giảm.

Thanh khoản phiên chiều cũng không mạnh, hai sàn khớp thêm 8.333 tỷ đồng. Trong đó sàn HosE khớp được 7.488 tỷ đồng và rổ VN30 là 4.706 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ phiên sáng có thanh khoản khá cao, nên hôm nay tổng giá trị khớp lệnh hai sàn vẫn tăng hơn 16% so với phiên trước.

Nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh mạnh VPB buổi chiều, Mã này bị xả ròng 125,6 tỷ đồng. VCB, VIC, NVL, KBC cũng bị tăng bán nhẹ. Phía mua HPG và VHM được tăng mua nhẹ, đưa mức mua ròng tương ứng lên 157 tỷ và 145 tỷ đồng. Tính chung hôm nay khối ngoại mua ròng ở HOSE 326,5 tỷ, thực tế là đã bán ròng buổi chiều.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate