Khi Microsoft Nhật Bản thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày mỗi tuần nhằm cải thiện sự cân bằng công việc-cuộc sống cho nhân viên vào tháng 8 năm nay, công ty này cho biết năng suất lao động đã tăng gần 40%.
Tuy nhiên, điều thú vị là CEO của Microsoft, Satya Nadella, lại có cách tiếp cận khác biệt đối với cân bằng cuộc sống - công việc. Thay vì phân tách riêng rẽ cuộc sống và công việc, ông nghĩ về "sự hòa hợp".
"Tôi đã từng nghĩ rằng phải tìm được sự cân bằng giữa những thứ được xem là nghỉ ngơi với những thứ được xem là công việc", Nadella nói với tờ Australian Financial Review (AFR) hồi tháng 11. Nhưng giờ đây ông đã tìm được cách để "điều chỉnh" sự cân bằng đó.
"Điều tôi đang cố gắng làm là tìm cách hòa hợp giữa những gì tôi thực sự quan tâm, những sở thích, với công việc", CEO Microsoft chia sẻ.
"Hòa hợp" công việc và cuộc sống cũng là cách làm của Jeff Bezos, người sáng lập, CEO của Amazon.
"Tôi thích từ 'hòa hợp' hơn từ 'cân bằng', bởi vì cân bằng mang ý nghĩa về sự đánh đổi khắt khe", Bezos chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2018. "Đây thực ra là một vòng tròn, chứ không phải là sự cân bằng".
″Nếu tôi hạnh phúc trong công việc, tôi sẽ vui vẻ hơn ở nhà, là một người chồng, một người cha tốt hơn. Và nếu tôi hạnh phúc ở nhà, tôi sẽ làm việc với nhiều năng lượng hơn - là một nhân viên, một đồng nghiệp tốt hơn", Bezos, cha của 4 đứa con với vợ cũ Mackenzie Bezos, nói với Thrive Global năm 2016.
Đối với Nadella, hòa hợp công việc-cuộc sống "mang lại cho tôi sự thỏa mãn và năng lượng lớn để trở lại với công việc".
Nadella có 3 con với vợ Anu, trong đó có con trai Zain, 23 tuổi, bị tàn tật. Do đó, ông luôn tìm cách ứng dụng công nghệ để giúp đỡ những người câm điếc, khiếm thị. Tháng 5/2018, ông công bố sáng kiến 25 triệu USD của Microsoft nhằm phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo để giúp đỡ người tàn tật.
"Tôi xem Microsoft như một nền tảng để có thể theo đuổi những đam mê của riêng mình", Nadella nói với AFR. "Điều này mang lại cho tôi nhiều ý nghĩa và với tôi đây là sự thư giãn tối thượng".
Theo các nhà phân tích, tìm được ý nghĩa trong công việc là yếu tố mang lại hạnh phúc. Trong một khảo sát năm 2019 của CNBC và SurveyMonkey, 35% người được hỏi nói rằng "ý nghĩa" là nhân tố số 1 giúp họ cảm thấy hạnh phúc trong công việc.
Tuy nhiên, duy trì sự hòa hợp này là một nghệ thuật, bởi vì thậm chí những đam mê cũng có thể khiến người ta kiệt sức, Nadella nói với NowThis hồi tháng 5.
"Tôi cho rằng điểm mấu chốt là không quá đắm chìm vào những thứ khiến ta kiệt sức, mà bằng cách nào đó duy trì ngọn lửa mà ở đó bạn kiên trì với đam mê tối thượng của mình", CEO Microsoft cho biết.