Nhờ những khao khát mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với trí tuệ nhân tạo, Nvidia - công ty đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tiến bộ AI - đã trở thành “con cưng” của thị trường. Cổ phiếu Nvidia tăng vọt, cho thấy mức tăng 70% từ đầu năm đến nay và mức lợi nhuận đáng kinh ngạc là 1.749% trong 5 năm qua.
XÂY DỰNG NVIDIA THÀNH MỘT CẤU TRÚC TỔ CHỨC PHẲNG
Giá cổ phiếu của Nvidia tăng vọt đã làm tăng đáng kể tài sản của người sáng lập và Giám đốc điều hành Jensen Huang. Theo tạp chí Forbes, ông Huang hiện được xếp hạng là người giàu thứ 20 trên thế giới, với tài sản ròng trị giá 72,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Huang không bắt đầu sự nghiệp của mình trong câu lạc bộ tỷ phú. Trong cuộc phỏng vấn “View From The Top” gần đây tại Trường Kinh doanh Stanford Graduate School of Business, ông Huang đã được hỏi tại sao ông lại tạo ra một cấu trúc tổ chức phẳng (flat organizational structure) cho công ty của mình. Trả lời câu hỏi, ông Huang đã suy ngẫm về sự khởi đầu khiêm tốn của mình.
“Đối với tôi, không có công việc nào là không phù hợp vì hãy nhớ rằng, tôi từng là người rửa bát và tôi cũng đã từng cọ nhà vệ sinh. Ý tôi là, tôi đã dọn dẹp rất nhiều nhà vệ sinh, có lẽ nhiều hơn tất cả các bạn cộng lại”, ông Huang nói. Lời chia sẻ nhẹ nhàng của ông Huang đã khiến khán phòng bật cười. “Tôi không biết phải nói gì với các bạn, đó là cuộc sống và vì vậy bạn không thể chỉ cho tôi một nhiệm vụ không phù hợp với tôi”.
Ông Huang nhấn mạnh sự sẵn lòng giúp đỡ người khác bằng cách chia sẻ cách tiếp cận giải quyết vấn đề của mình. Ông nói rằng sự trợ giúp của ông không phải là liệu nhiệm vụ đó có vượt quá khả năng hay không mà là mang lại tính hữu ích: bằng cách chứng minh quá trình lý luận của mình trước những thách thức khác nhau - cho dù chúng mơ hồ, khó tính toán hay có vẻ khó khăn - ông ấy luôn trao quyền cho người khác.
Cơ cấu tổ chức phẳng (Flat Organization Structure) hay còn gọi là tổ chức không tầng lớp, là một mô hình tổ chức có số lượng cấp bậc quản lý tối thiểu. Mục tiêu chính của mô hình này là giảm thiểu sự phức tạp, rườm rà trong quá trình ra quyết định và tạo ra một môi trường làm việc nhanh nhẹn, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Trong cơ cấu tổ chức phẳng, nhân viên thường có nhiều quyền tự quản lý công việc của mình, giúp tăng cường sự sáng tạo và tinh thần chủ động. Đồng thời, mô hình này cũng thúc đẩy sự giao tiếp và tương tác trực tiếp giữa nhân viên và quản lý cao nhất (bỏ qua các quản lý trung gian như trước đây), giúp giảm thiểu các lỗi thông tin và tăng tốc độ ra quyết định.
KHẢ NĂNG PHỤC HỒI LÀ VẤN ĐỀ RẤT QUAN TRỌNG TẠO NÊN THÀNH CÔNG
Ông Huang cũng không ngần ngại đưa ra những tuyên bố táo bạo. Trong một sự kiện khác của Stanford, ông đã đưa ra một số nhận xét hấp dẫn về những kỳ vọng, nỗi đau và sự đau khổ.
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford vào tháng trước, ông Huang được hỏi sẽ đưa ra lời khuyên gì cho sinh viên để nâng cao cơ hội thành công của họ. Thay vì quy định những hành động cụ thể, ông ấy đã chia sẻ cái nhìn sâu sắc: “Một trong những lợi thế lớn của tôi là tôi có những kỳ vọng rất thấp”.
Ông Huang tiếp tục lưu ý rằng kỳ vọng thấp không phải là điều điển hình ở những sinh viên tốt nghiệp Stanford - mặc dù bản thân ông cũng là cựu sinh viên của trường.
“Hầu hết sinh viên tốt nghiệp Stanford đều có kỳ vọng rất cao và bạn xứng đáng có được kỳ vọng cao vì đến từ một ngôi trường tuyệt vời. Bạn đã rất thành công. Bạn đứng đầu lớp. Rõ ràng là bạn đã có thể trả tiền học phí. Và sau đó bạn sẽ tốt nghiệp từ một trong những trường đại học tốt nhất trên hành tinh”, ông giải thích thêm.
Tuy nhiên, ông Huang nhấn mạnh một nhược điểm đáng kể của lối suy nghĩ này là những người có kỳ vọng rất cao có khả năng phục hồi rất thấp. Và thật không may, khả năng phục hồi lại rất quan trọng trên hành trình dẫn tới thành công.
SINH VIÊN CẦN ĐƯỢC RÈN LUYỆN QUA THỬ THÁCH DÙ TỐT NGHIỆP TỪ CÁC TRƯỜNG TOP ĐẦU
Ông Huang tin rằng khả năng chịu đựng thất bại và đau khổ là yếu tố quyết định để thành công. Tuy nhiên, để có khả năng phục hồi thì những người trẻ cần trực tiếp trải nghiệm những thách thức.
“Tôi không biết làm thế nào để dạy bạn điều đó ngoại trừ việc tôi hy vọng bạn sẽ phải chịu gian khổ hay thách thức,” ông nói.
CEO Nvidia chia sẻ, dù lớn lên trong một môi trường nuôi dưỡng thành công nhưng ông cũng phải đối mặt với không ít thử thách. Trong công ty của mình, ông sử dụng thuật ngữ “đau khổ và chịu đựng” như là cơ hội để củng cố và hoàn thiện bản sắc của tổ chức.
Đối với ông Huang, sự vĩ đại thực sự của mỗi cá nhân đến từ tính cách chứ không phải trí thông minh và tính cách được hình thành từ trải nghiệm nghịch cảnh như câu nói: “No pain, no gain” (tạm dịch: khổ luyện thành tài).