October 13, 2021 | 14:47 GMT+7

CEO Tập đoàn Tân Long: 10 năm gắn bó với lúa gạo

Lan Anh -

Sự nghiệp gắn với Tập đoàn Tân Long của doanh nhân Trương Sỹ Bá đã hơn 20 năm. Thế nhưng cái duyên với lúa gạo - ngành mà ông chia sẻ là “đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng nhất và tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhất”...

Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng Quả trị Tập đoàn Tân Long.
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng Quả trị Tập đoàn Tân Long.

Chúng ta đang làm việc và sinh hoạt giữa bối cảnh bình thường mới. Đã có những khó khăn nhất định và sẽ vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước. Nhưng từ tâm thế của một doanh nghiệp tâm huyết với ngành, Tân Long vẫn luôn nỗ lực để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng với điều kiện tiên quyết và cốt lõi vẫn là chất lượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long - ông Trương Sỹ Bá - chia sẻ.

NHỮNG QUYẾT SÁCH CÙNG ĐỘI NGŨ CHỐNG DỊCH VÀ VƯỢT DỊCH

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt thời gian qua đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Những dự báo về thị trường cũng rất khó lường khi diễn biến kéo dài và các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải có sự điều chỉnh kịp thời để phù hợp với bối cảnh thực tế. Đối với một doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, hệ thống trải dài và đội ngũ nhân sự đông đảo như Tân Long, khó khăn là điều khó tránh khỏi.

Trong tình hình đó, Tập đoàn trở thành điểm tựa cho nhân viên và cũng chính nhân viên trở thành lực lượng quan trọng nhất của doanh nghiệp, cùng nhau vượt qua khó khăn. Theo ông Trương Sỹ Bá, một trong những quyết sách đầu tiên của Tập đoàn là cố gắng hết sức ổn định việc làm và thu nhập cho nhân viên, chăm lo điều kiện 3 tại chỗ đầy đủ, ưu tiên vaccine cho đội ngũ trực tiếp tham gia sản xuất tại nhà máy và kinh doanh tại cửa hàng khi nguồn cung vaccine thời gian đầu còn khan hiếm...

Hơn 4 tháng đối diện với thực tế nhiều thử thách, hơn bao giờ hết sức mạnh của sự đồng hành và sẻ chia trong tập thể phát huy mọi giá trị của nó. Tân Long cũng có một đội ngũ nhiệt huyết, năng động, không ngại khó khăn và luôn nỗ lực “vượt khó” cùng tập thể suốt thời gian qua.

Từ trong đại dịch, chứng kiến những chao đảo và sự đào thải khắc nghiệt từ thị trường, Ban lãnh đạo Tập đoàn có thêm những bài học và kinh nghiệm về khâu chuẩn bị và xây dựng hệ thống, chiến lược để sẵn sàng ứng biến, để duy trì các hoạt động và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trước những kịch bản khó lường.

NỖ LỰC VỚI MỤC TIÊU GẠO NỘI ĐỊA

Sự nghiệp gắn với Tập đoàn Tân Long của doanh nhân Trương Sỹ Bá đã hơn 20 năm. Thế nhưng cái duyên với lúa gạo - ngành mà ông chia sẻ là “đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng nhất và tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhất” - thì chỉ khoảng 10 năm trở lại đây và chủ yếu ghi dấu ấn từ thị trường xuất khẩu quốc tế.

Giữa năm 2019, Tân Long giới thiệu sản phẩm gạo đóng túi A An. Đến năm 2020, tổng sản lượng gạo của toàn tập đoàn đạt khoảng 355.000 tấn, tỷ trọng cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gần như là 50-50. “Đây là tỷ lệ mà ít doanh nghiệp nào vừa xuất khẩu, vừa làm gạo trong nước đạt được trong thời gian ngắn, đặc biệt thời điểm này gạo A An chỉ vừa ra mắt được hơn 1 năm. Đó là bởi trước khi ra mắt thương hiệu gạo nội địa, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nghiên cứu sản phẩm canh tác trên cánh đồng đến chế biến tại các nhà máy và phân phối đến từng điểm bán lẻ hợp lý”.

Người đứng đầu Tập đoàn Tân Long chia sẻ thêm, gạo A An đang trong quá trình tăng sức nhận diện thương hiệu. Theo nhịp tăng trưởng chỉ sau 2 năm ra mắt, trong vòng 5 năm tiếp theo, ông muốn nâng mục tiêu lên 5-10% thị phần của gạo đóng túi chất lượng cao cả nước.

5-10% thị phần nội địa là con số không hề nhỏ, nhưng nó đồng thời cũng cho thấy quyết tâm lớn của một doanh nhân làm lúa gạo tâm huyết. Đến thời điểm hiện tại, người đứng đầu Tập đoàn Tân Long cho biết ông vẫn xem trọng xuất khẩu nhưng sẽ linh hoạt điều tiết theo thị trường, tập trung vào ngách gạo thơm. Phần lớn nguồn lực sẽ tập trung cho mục tiêu gạo nội địa, chọn phân khúc gạo đóng túi chất lượng cao, sạch và an toàn.

Muốn như thế phải xây dựng một chuỗi hoàn chỉnh từ kiểm soát giống gieo trồng trên cánh đồng; nguồn thu mua lúa ổn định nhờ hợp tác với nông dân và các tổ chức nông dân; hoạt động bài bản và có tính hệ thống gần 10 nhà máy xử lý sau thu hoạch và đóng gói gần vùng nguyên liệu. Trong đó có nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư với quy mô lớn nhất châu Á. Tất cả đều được đặt tại đồng bằng sông Cửu Long - vùng trồng và cung cấp lúa lớn nhất cả nước.

Nhà máy gạo Hạnh Phúc (đang trong quá trình xây dựng) được đầu tư với quy mô 191.000m2 và tổng số vốn hơn 65 triệu USD.
Nhà máy gạo Hạnh Phúc (đang trong quá trình xây dựng) được đầu tư với quy mô 191.000m2 và tổng số vốn hơn 65 triệu USD.

Một nỗ lực rất lớn nữa của Tân Long khi phát triển thương hiệu gạo nội địa A An là nhanh chóng phát triển và mở rộng mạng lưới kênh phân phối hơn 20,000 điểm bán toàn quốc tính đến tháng 9 năm 2021. Việc ứng dụng công nghệ Fintech vào quản trị dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng, phát triển các điểm bán hàng trực tuyến cũng rất được chú trọng. Dự kiến số lượng điểm bán trong 5 năm tới cũng sẽ tăng gấp 4-5 lần.

CHÍNH SÁCH HỢP TÁC BỀN VỮNG CÙNG NÔNG DÂN

Trong rất nhiều buổi trò chuyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long từng chia sẻ làm lúa gạo đều phải gắn với nông dân. Có thể nói, với ông Trương Sỹ Bá và với Tập đoàn Tân Long, nông dân là đối tác đồng hành, là những nhân sự đặc biệt. Tân Long hợp tác với nông dân dựa trên mối quan hệ chia sẻ, cùng phát triển. Đối với các chương trình canh tác đặc biệt như lúa tôm hoặc canh tác hữu cơ, các kỹ sư nông nghiệp cũng có mặt ở các vùng bao tiêu để “bám ruộng” hỗ trợ nông dân suốt quá trình gieo trồng và thu hoạch.

Theo nội dung đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, việc phát triển hoạt động liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân và các tổ chức nông dân thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại từng địa phương cụ thể là một giải pháp được chú trọng. Điều này sẽ góp phần vào việc hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa và lợi ích cho người tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia hiệu quả vào thị trường lúa gạo toàn cầu.

“Sắp tới đây, chúng tôi mong muốn hợp tác với nông dân để trồng những giống lúa do Tập đoàn tổ chức chọn lọc và thu mua, có sự hướng dẫn và giám sát canh tác từ kỹ sư nông nghiệp, hướng đến giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật hoặc ưu tiên các sản phẩm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, việc kiểm soát sẽ càng gắt gao và khó khăn hơn nhưng chất lượng gạo đến tay người tiêu dùng sẽ càng được đảm bảo hơn”, doanh nhân gốc Nghệ An chia sẻ thêm.

Bằng tấm lòng và nhiệt tâm của một doanh nhân làm lúa gạo, một doanh nghiệp tâm huyết đưa hạt gạo an toàn đến với người tiêu dùng, gạo A An của Tập đoàn Tân Long đã thực hiện nhiều chương trình xã hội ý nghĩa trong mùa dịch vừa qua. Kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Tập đoàn Tân Long đã tài trợ hơn 1.300 tấn gạo cho người dân và máy thở tại tuyến đầu chống dịch. Theo ông Bá chia sẻ, bên cạnh việc chăm, tạo mọi điều kiện làm việc và chính sách tốt nhất cho nhân viên, Tập đoàn cũng luôn cố gắng chung tay vào các hoạt động cộng đồng vì một xã hội nhân văn, giàu tình thương và ngày càng phát triển. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate