Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty dữ liệu chuỗi khối này đưa ra chỉ số Global Crypto Adotion Index đo mức độ chấp nhận tiền ảo tại các nước và trên thế giới. Chỉ số xếp hạng 154 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên những thông số như khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P) trên các sàn, thay vì tổng khối lượng giao dịch tiền ảo - thông số thường có lợi cho các nước phát triển với lượng mua lớn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tổ chức.
Mục đích của việc đưa ra chỉ số trên là nắm bắt mức độ chấp nhận tiền ảo của người dân và “tập trung vào việc sử dụng tiền ảo liên quan tới các giao dịch trong đời sống và tiết kiệm của cá nhân, thay vì giao dịch đầu tư và đầu cơ” - Chainalysis cho biết. Mỗi thông số được gắn tỷ trọng nhất định trong chỉ số, để tính đến lượng tài sản bình quân của mỗi cá nhân và giá trị đồng tiền lưu hành tại từng quốc gia cụ thể.
Kết quả xếp hạng cho thấy top 20 chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi, trong đó có những cái tên như Togo, Colombia và Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ giảm xuống vị trí thứ 8 từ số 6 vào năm ngoái. Trung Quốc - nước gần đây triển khai chiến dịch kiểm soát mạnh tay đối với ngành tiền ảo - giảm từ vị trí số 4 xuống 13.
Chainalysis cho rằng có một số yếu tố quan trọng dẫn tới mức độ chấp nhận tiền ảo gia tăng mạnh tại các thị trường mới nổi.
Các quốc gia như Kenya, Nigeria, Việt Nam và Venezuela có khối lượng giao dịch lớn trên các nền tảng P2P sau khi điều chỉnh theo đồng giá sức mua (PPP) bình quân đầu người và dân số sử dụng Internet. Theo báo cáo của Chainalysis, nhiều người tại các quốc gia này sử dụng các sàn giao dịch P2P khi bắt đầu chơi tiền ảo, mà lý do quan trọng là bởi họ không tiếp cận được với các sàn giao dịch tập trung.
Báo cáo cũng nói người dân tại nhiều nền kinh tế mới nổi có xu hướng rót tiền tiết kiệm vào tiền ảo vì lo đồng nội tệ mất giá, hoặc để gửi và nhận tiền hay thực thi các giao dịch kinh doanh.
Trao đổi với hãng tin CNBC, nhà phân tích dữ liệu P2P Matt Ahlborg nói rằng Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất của Bitrefill - một công ty cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng mua thẻ quà tặng (gift card) bằng Bitcoin.
“Đối với tôi, Việt Nam nổi bật vì thống trị chỉ số này”, Giám đốc nghiên cứu Kim Grauer của Chainalaysis phát biểu. “Chúng tôi nghe các chuyên gia nói rằng người Việt Nam thích cá cược và giới trẻ thạo công nghệ ở đó không có nhiều kênh đầu tư để rót tiền tiết kiệm, chẳng hạn như quỹ ETF. Cả hai yếu tố này thúc đẩy mức độ chấp nhận tiền ảo ở Việt Nam”.
Theo ông Grauer, Nigeria lại là một câu chuyện khác. “Nước này có một thị trường thương mại lớn dành cho tiền ảo. Ngày càng nhiều hoạt động thương mại ở nước này được thực hiện bằng tiền ảo, bao gồm thương mại quốc tế với đối tác ở Trung Quốc”.
Nhà phân tích dữ liệu công nghệ tài chính (fintech) Boaz Sobrado nói những nước dẫn đầu xếp hạng đều có một điều chung. “Nhiều nước thực thi kiểm soát vốn hoặc có một lượng lớn người di cư hoặc nhập cư”, ông Sobrado nói.
Afghanistan, quốc gia đang trong tình trạng bất ổn chính trị vì phiến quân Taliban lật đổ chính phủ, là một ví dụ. “Afghanistan lọt top là bởi các biện pháp kiểm soát vốn khiến việc chuyển tiền ra vào nước này trở nên khó khăn”, ông Sobrado phát biểu.
Ngoài ra, việc điều chỉnh theo PPP và tổng sản phẩm trong nước (GDP) có thể thúc đẩy vị trí của Afghanistan trong xếp hạng, xét tới việc nước này là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng xác định mức độ chấp nhận tiền ảo trong dân ở mỗi quốc gia là điều không dễ dàng. Ông Sobradocho rằng phương pháp của Chainalysis “có một ‘điểm mù’ lớn, và Cuba là một ví dụ”. “Không giống như các quốc gia khác, những nước chịu lệnh trừng phạt kinh tế không có những dữ liệu đầy đủ và rõ ràng về thị trường P2P”, ông nói.
Vì lý do này, ông Sobrado tin rằng các nền kinh tế như Cuba có thể bị đánh giá không đầy đủ về mức độ tiền ảo.
Ông Ahlborg thừa nhận không có một phương pháp hoàn hảo nào để đo mức độ chấp nhận tiền ảo trên toàn cầu, nhưng nói rằng chỉ số của Chainalysis là “một trong những chỉ số tốt nhất mà chúng ta có được”.