September 09, 2022 | 16:06 GMT+7

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Tỉnh thúc huyện, huyện chờ xin ý kiến tỉnh

Thiên Anh -

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công là hơn 11.919 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7-2022, địa phương này giải ngân được 5.485,4 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch. "Đội sổ" về giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh này là huyện Nông Cống...

UBND huyện Nông Cống, địa phương "đội sổ" về giải ngân vốn đầu tư công tại Thanh Hóa
UBND huyện Nông Cống, địa phương "đội sổ" về giải ngân vốn đầu tư công tại Thanh Hóa

Năm 2022, huyện Nông Cống được tỉnh Thanh Hóa giao tổng mức vốn đầu tư công hơn 60 tỷ đồng. Cho đến hiện tại, huyện này vẫn loay hoay tìm cách tiêu tiền, khi 8 tháng đầu năm mới giải ngân được hơn 200 triệu đồng, đạt 0,3% kế hoạch năm.

Mặc dù chuẩn bị bước vào quý 4, nhưng kế hoạch giải ngân của huyện này vẫn đang lâm vào bế tắc. Mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch không biết có kịp thực hiện trong năm tài khóa 2022.

CÓ TIỀN MÀ KHÔNG THỂ TIÊU

Theo tìm hiểu của VnEconomy, đa phần dự toán vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Nông Cống trong năm nay là tiền đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường Vạn Thiện – Bến En đi qua địa bàn huyện.

Từ đầu năm, huyện đã tiến hành kiểm kê, lên phương án đền bù chi tiết trình UBND tỉnh nhưng cho đến nay, khi dự án đã khởi công thì kế hoạch giải ngân vẫn… tắc tị.

Lý do là bởi theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi mục đất lúa sang đất làm đường giao thông phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh ra quyết nghị. Huyện này cũng đã ra văn bản xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh, nhưng tỉnh trả lời phải thực hiện trình tự đủ các bước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Vì thế, huyện vẫn phải chờ, mà chưa rõ chờ đến khi nào để có thể giải ngân vốn. Cả lãnh đạo huyện lẫn người dân thuộc diện phải thu hồi đất đều sốt ruột nhưng quy định của pháp luật không thể lằm tắt được. Cứ đến ngày 25 hàng tháng, huyện phải tổng hợp báo cáo Sở Kế hoạch Đầu tư về tiến độ giải ngân, lần nào huyện Nông Cống cũng xếp đội sổ nhưng chưa có hướng khắc phục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian sắp tới.

Trao đổi với VnEconomy, đại diện huyện này thông tin: Thực hiện Quyết định số 2748/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng Dự án Đường Vạn Thiện đi Bến En, theo đó giao UBND huyện Nông Cống được giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án Đường Vạn Thiện đi Bến En trên địa bàn huyện Nông Cống.

Đến nay Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã hoàn thành và trình UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Thăng Long, Vạn Thiện.

Lễ khởi công tuyến đường Vạn Thiện - Bến En có dự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Lễ khởi công tuyến đường Vạn Thiện - Bến En có dự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Đối với diện tích đất lúa phải thu hồi để thực hiện dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghị quyết trong danh mục các dự án phải thu hồi đất tại Nghị quyết số 164/NQ-HĐND ngày 11/10/2021. Tuy nhiên, chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, bên cạnh đó phần đầu tuyến trên địa bàn xã Vạn Thiện sau khi điều chỉnh không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Chủ tịch huyện Nông Cống đã báo cáo Chủ tịch tỉnh xin ý kiến cho huyện Nông Cống thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đường Vạn Thiện đi Bến En khi chưa có quyết nghị Hội đồng nhân dân tỉnh cho phép chuyển mục đích đất lúa.

Trả lời đề xuất này của huyện Nông Công, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, đơn vị được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao tham mưu cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hình thức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thông qua hội đồng thẩm.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định. Do đó, đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện Nông Cống phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hoá (chủ đầu tư) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định; sau Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dự án Đường Vạn Thiện đi Bến En theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hình thức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thông qua hội đồng thẩm.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hình thức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thông qua hội đồng thẩm.

Như vậy, nghịch cảnh tréo ngoe "có tiền mà không thể tiêu", dẫn đến xếp đội sổ trong danh sách giải ngân vốn đầu tư công của huyện Nông Cống vẫn tiếp tục phải chờ đợi và chưa biết đến bao giờ mới có thể “tiêu tiền” dù dự án đã chính thức khởi công.

XUẤT HIỆN TÂM LÝ SỢ ĐẤU THẦU?

Trước thực trạng hiện nay, việc đấu thầu tại các cơ sở y tế trở nên rất nhạy cảm, dẫn tới nhiều thiệt thòi cho bệnh nhân. Câu chuyện đấu thầu ngành y tế hiện nay được nhắc tới như một sự ám ảnh.

Đối với tỉnh Thanh Hóa hiện nay các bệnh viện công lập cũng đang rất lo lắng cho vấn đề đấu thầu vật tư y tế, hóa chất và thuốc trong các cơ sở y tế công lập. Lâu nay, công tác đấu thầu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, thuốc trên địa bàn được UBND tỉnh giao cho Sở Y tế làm đầu mối đấu thầu tập trung.

Tuy nhiên, cuối tháng 5/2022 thông tư số 37/2021/TT-BYT quy định chức năng quyền hạn của Sở Y tế thì không có quy định Sở Y tế tổ chức đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm. Từ đó, Sở Y tế đề xuất các cơ sở y tế công lập trong ngành tự tổ chức đấu thầu đối với danh mục sử dụng năm 2023.

Theo thông tư số 37/2021/TT-BYT quy định chức năng quyền hạn của Sở Y tế, không có quy định Sở Y tế tổ chức đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm.
Theo thông tư số 37/2021/TT-BYT quy định chức năng quyền hạn của Sở Y tế, không có quy định Sở Y tế tổ chức đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm.

Trao đổi với phóng viên liên quan đến nội dung giao việc đấu thầu tập trung cho các cơ sở y tế, nhiều lãnh đạo các bệnh viện tuyến huyện bày tỏ sự lo lắng vì nhiều vấn đề khác nhau.

Ông Phùng Sỹ Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thọ Xuân, cho biết ông vừa nhận được công văn từ Sở Y tế. "Nói chung, việc tỉnh có chủ trương giao việc đấu thầu cho các bệnh viện thì chúng tôi xác định phải chuẩn bị triển khai. Việc giao cho cơ sở tự đấu thầu cũng có thuận lợi là chúng tôi sẽ chủ động được công việc của mình. Tuy nhiên, tâm lý chung, không chỉ có Bệnh viện Thọ Xuân mà tất cả bệnh viện tuyến huyện đều rất sợ, rất ngại việc này. Bởi vì chúng tôi hầu như chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chắc chắn, sắp tới khi đi vào thực hiện cụ thể chúng tôi lường trước sẽ có rất nhiều khó khăn phải vượt qua", ông Thường nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Triệu Sơn, cho biết: "Thực ra, việc giao công tác đấu thầu cho các cơ sở y tế đã có chủ trương từ lâu, về luật thì việc này không sai. Tuy nhiên việc này cần phải có thời gian triển khai phù hợp. Bởi vì công tác chuẩn bị, nhất là về nhân sự, chứng chỉ, bằng cấp liên quan thì nhiều đơn vị chưa thể đáp ứng ngay được. Còn tâm lý sợ đấu thầu thì có thể xuất hiện ở một số cơ sở, nhất là trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu có thời gian chuẩn bị đầy đủ thì bệnh viện chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành".

Thực trạng công tác đấu thầu nhất là trong lĩnh vực y tế hiện nay phát hiện nhiều sai phạm, một phần do các cán bộ y tế thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về đấu thầu. Vì thế, việc UBND tỉnh chủ trương giao việc đấu thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm cho các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tuyến huyện khiến dư luận chung không khỏi lo lắng. Nhân sự tại các cơ sở y tế, đặc biệt là từ bệnh viện hạng 2 trở xuống rất khó đảm bảo ngay công tác đấu thầu.

Sau khi VnEconomy phản ánh tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời điều chỉnh, tiếp tục giao Sở Y tế làm đầu mới triển khai công tác đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cho đến hết tháng 7/2022, công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm chẩn đoán vẫn dậm chân tại chỗ. Trong báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, đến hết tháng 7/2022, dòng số liệu về tiến độ giải ngân của Sở Y tế hiện bị bỏ trống.

Phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh Thanh Hóa
Phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND tỉnh Thanh Hóa

Trong phiên họp thường kỳ của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa diễn ra mới đây, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhận xét: “Trong đội ngũ cán bộ, công chức, có cả bộ phận đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở vừa qua xuất hiện tư tưởng sợ trách nhiệm, sợ vi phạm, đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm, vướng là đẩy lên trên”.

Tới đây, hàng tháng Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tở chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, chủ đầu tư để tìm ra những điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, quyết tâm thực hiện 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate