Cách đây ít ngày, Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền của Singapore đã bầu ông Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat) làm Phó tổng bí thư thứ nhất. Theo truyền thống chính trị ở đảo quốc sư tử, người nắm giữ vị trí này thường sẽ là người kế nhiệm cương vị Thủ tướng.
Theo miêu tả của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Vương có dáng người tầm thước, đôi mắt to với cái nhìn cương trực sau cặp kính cận dưới mái tóc đen dày. Trong các bài phát biểu, ông từ tốn và mang lại cảm giác yên tâm. Khi tiếp xúc trực tiếp, người đối diện cảm nhận ở ông sự chân thành.
"Thế hệ lãnh đạo 4G"
Sau một sự nghiệp rạng rỡ trong lực lượng cảnh sát và lĩnh vực dân chính, ông Vương tham gia chính trường vào năm 2011 và nhanh chóng trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và đứng đầu một ủy ban nghiên cứu các chiến lược nhằm đảm bảo tương lai kinh tế đất nước.
Trên cương vị mới là Phó tổng bí thư thư nhất của PAP, ông Vương là nhân vật cấp cao nhất của thế hệ lãnh đạo thứ tư - thường được gọi là thế hệ 4G - trong Ủy ban Điều hành Trung ương (CEC) của đảng này. Trong lịch sử chính trị của Singapore, người được trao vị trí này là người có khả năng cao nhất trở thành Thủ tướng trong tương lai.
Người dân Singapore đã đặt câu hỏi ai sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của nước này kể từ khi đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố sau cuộc tổng bầu cử gần đây nhất ở nước này rằng ông muốn nghỉ hưu trước khi tròn 70 tuổi. Năm nay, ông Lý Hiển Long 66 tuổi.
Dù có nhiều gương mặt được xem là ứng cử viên kế nhiệm ông Lý Hiển Long, cử tri Singapore chưa thể xác định ai là người có khả năng cao nhất trở thành nhà lãnh đạo tương lai của họ, cho tới khi thế hệ thành viên mới của CEC được công bố hôm thứ Sáu. Ngoài ông Vương, còn có hai nhân vật khác cũng được xem là có thể trở thành Thủ tướng của Singapore.
Đó là Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Trần Chấn Thanh (Chan Chun Sing), 49 tuổi, và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ong Ye Kung, 49 tuổi. Ông Trần được bầu làm Phó tổng thư ký thứ hai của PAP, còn ông Ong là người quản lý ngân sách của đảng.
Phát biểu hôm thứ Sáu, ông Lý Hiển Long - Tổng bí thư PAP - nói rằng bộ máy mới của CEC là một "bước tiến lớn đi tới sự đổi mới chính trị của chúng ta". Ông cho biết trong mấy tháng gần đây, các bộ trưởng trẻ và người đứng đầu các cơ quan chính trị của Singapore đã có nhiều cuộc họp để bàn thảo xem ai nên là nhà lãnh đạo trong tương lai.
Trong một bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân, ông Lý Hiển Long nói các cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo "luôn phức tạp và nhạy cảm". Ông nói bản thân các bộ trưởng trẻ phải quyết định ai sẽ là người lãnh đạo để đảm bảo rằng bất kỳ ai được chọn cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người.
"Họ đã đạt được sự đồng thuận rằng ông Vương Thụy Kiệt sẽ là nhà lãnh đạo của họ. Đổi lại, ông Vương Thụy Kiệt đã đề nghị ông Trần Chấn Thanh làm người phó của mình. Ông Trần Chấn Thanh đã đồng ý, và nhóm lãnh đạo trẻ đã nhất trí với quyết định của ông Vương Thụy Kiệt. Bởi vậy, việc CEC chọn hai vị này làm Phó tổng bí thư thứ nhất và thứ hai là lẽ tự nhiên", ông Lý Hiển Long cho biết.
Nhóm lãnh đạo "4G" của Singapore. Từ trái qua: ông Vương Thụy Kiệt, ông Trần Trấn Thanh, và ông Ong Ye Kung - Ảnh: Straits Times.
Điều này được khẳng định bởi một tuyên bố của nhóm lãnh đạo "4G". Tuyên bố viết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục là một nhóm gắn kết trong công việc, và thúc đẩy sự hợp tác với tất cả mọi người dân Singapore. Chúng tôi là một khối đoàn kết vì mục tiêu phục vụ nhân dân Singapore bằng tất cả khả năng của mình".
"Thư ký riêng tốt nhất" của ông Lý Quang Diệu
Việc trở thành một thành viên trong CEC luôn là một "bước đệm" tiến tới cương vị Thủ tướng Singapore. Chẳng hạn, Thủ tướng thứ hai của Singapore, ông Goh Chok Tong, trở thành Phó tổng bí thư thứ nhất của PAP vào tháng 11/1984, được trao cương vị Phó thủ tướng chỉ 1 tháng sau đó. Tháng 11/1990, ông Goh trở thành Thủ tướng Singapore, và 2 năm sau trở thành Tổng bí thư PAP.
Ông Lý Hiển Long trở thành Phó thủ tướng vào tháng 11/1990, Phó tổng bí thư thứ nhất vào tháng 12/1992, Tổng bí thư vào tháng 12/2003, và Thủ tướng vào tháng 8/2004.
Theo ông Eugene Tan, giảng viên Đại học Quản lý Singapore, cả ông Vương, ông Trần và ông Ong đều không phải là "người kế nhiệm hoàn hảo", nhưng họ tập hợp thành một nhóm tuyệt vời để lãnh đạo.
Theo đại sứ lưu động Tommy Koh của Singapore, ông Vương là người nhiều kinh nghiệm nhất trong số 3 nhân vật trên. "Ông ấy đã làm tốt ở mọi cương vị đã trải qua. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng gọi ông ấy là thư ký riêng tốt nhất của mình", ông Koh cho hay.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này cho biết ông biết rất rõ về ông Ong, nhấn mạnh rằng ông Ong là một chiến lược gia giỏi, có khả năng lôi cuốn người khác. Ông nói không biết nhiều về ông Trần, nhưng khâm phục ông Trần là người vươn lên từ xuất thân khiêm tốn và giữ lối sống giản dị dù đã có nhiều thành công lớn.
Ngoài việc từng là thư ký riêng cấp cao nhất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Vương - người bắt đầu sự nghiệp trong lực lượng cảnh sát - còn có thời gian giữ cương vị thư ký thường trực Bộ Thương mại và Công nghiệp, đứng đầu Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương nước này, trước khi giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ nhiệm Ủy ban Nền kinh tế tương lai.
Vợ ông Vương là bà Chang Hwee Nee, Giám đốc điều hành Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore. Gia đình họ có hai người con.
Hạn chế duy nhất
Theo một số chuyên gia, kinh nghiệm của ông Vương trong lĩnh vực kinh tế giúp ông có ưu thế hơn so với hai ứng cử viên còn lại trong nhóm 4G. Dư luận trên các mạng xã hội ở Singapore cũng thể hiện sự đồng tình ủng hộ khi ông Vương nổi lên là ứng cử viên sáng giá nhất cho cương vị Thủ tướng tương lai của nước này.
"Ông Vương Thụy Kiệt có khả năng tập hợp sự ủng hộ của công chúng và khiến mọi người lắng nghe", giảng viên Felix Tan thuộc SIM Global Education nhận xét.
Ngoài ra, ông Vương cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nội bộ PAP, thể hiện qua việc ông được ba lần bầu vào CEC, vào các năm 2014, 2016 và cách đây 2 tuần.
Hạn chế duy nhất của ông Vương có lẽ nằm ở vóc dáng của ông, như chính ông Lý Quang Diệu từng đề cập. Trong cuốn sách "One Man’s View of the World", ông Lý Quang Diệu đánh giá cao ông Vương, nhưng nói thêm rằng "điều đáng tiếc duy nhất là ông ấy không có vóc dáng cao lớn, điều có thể tạo nên sự khác biệt trong một cuộc vận động tranh cử".
Chiều cao của ông Vương được cho là dưới 1,7 mét. Trong khi đó, ông Lý Quang Diệu cao 1,8 mét, ông Goh Chok Tong cao 1,9 mét, và ông Lý Hiển Long cao 1,83 mét.
Ủy ban điều hành mới sẽ lãnh đạo PAP bước vào cuộc tổng bầu cử tiếp theo của Singapore, cuộc bầu cử phải được tổ chức muộn nhất vào tháng 4/2021. Ngoài ra, Singapore cũng có thể sắp tiến hành cải tổ nội các, như đề cập của ông Lý Hiển Long tại kỳ đại hội đảng vào hôm 11/11. Trong đợt cải tổ này, Phó tổng bí thư thứ nhất và thứ hai của PAP có thể sẽ được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ông Charles Phua, Chủ tịch của SG109 Compass, một phong trào nhằm nâng nhận thức chính trị cho giới trẻ Singapore, dự báo ông Vương có thể trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. "Hầu hết các Phó thủ tướng hoặc Thủ tướng của Singapore đều từng lãnh đạo Bộ Quốc phòng", ông Phua nhấn mạnh.